Thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg, ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào Tết trồng cây và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021. UBND tỉnh Long An ban hành kế hoạch trồng, chăm sóc và bảo vệ cây phân tán trên địa bàn tỉnh năm 2021. Dự kiến UBND tỉnh phân bổ cho các địa phương và cơ quan ban, ngành trên địa bàn trồng 1 triệu cây xanh.
Theo đó, các sở, ngành tỉnh và địa phương tổ chức phát động phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Ngày sinh của Bác 19/5/2021, huy động mọi tầng lớp nhân dân, các cơ quan, doanh nghiệp, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên cùng tham gia. Đẩy mạnh tuyên truyền, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực tham gia phong trào trồng cây phân tán, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa của Tết trồng cây, tác dụng của trồng cây phân tán gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiệm vụ phát triển KT-XH và chương trình bảo vệ, phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Các sở, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố, tùy theo điều kiện, tình hình ở địa phương, đơn vị để triển khai tổ chức lễ phát động Tết trồng cây nhân Ngày sinh của Bác (19/5/2021).
UBND tỉnh giao kế hoạch trồng cây phân tán năm 2021 cho các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh trồng 1 triệu cây phân tán các loại. Trong đó, tỉnh hỗ trợ các địa phương và các cơ quan, đơn vị tổ chức trồng cây phân tán trên địa bàn tỉnh với 30.000 cây phân tán các loại.
Các luật sư Đoàn Luật sư Long An trồng cây tại Khu tưởng niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ
Trên cơ sở xác định số lượng cây trồng, địa danh, địa điểm triển khai, thực hiện, các địa phương chủ động nguồn cây trồng bảo đảm chất lượng theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Sau mỗi đợt phát động, các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức nghiệm thu, đánh giá số lượng, tình hình sinh trưởng, phát triển của cây trồng so với kế hoạch được giao để gắn với việc đánh giá thực hiện nhiệm vụ hàng năm. Giao trách nhiệm cụ thể cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân quản lý, chăm sóc, bảo vệ cây phân tán và cây rừng sau trồng để bảo đảm tỷ lệ cây sống cao, cây sinh trưởng, phát triển tốt.
UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện trồng, chăm sóc, quản lý, bảo vệ cây trồng tại các điểm du lịch, di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh. Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện rà soát, xác định đoạn đường và các tuyến đường đủ điều kiện để trồng cây phân tán trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ các tuyến quốc lộ, đường tỉnh theo đúng quy định. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện trồng, chăm sóc, quản lý và bảo vệ cây trồng khu vực hành lang trục lộ các tuyến đường giao thông. Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện trồng, chăm sóc, quản lý, bảo vệ cây trồng tại các trường học trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương chủ động rà soát hiện trạng quỹ đất lâm nghiệp trên địa bàn, trên cơ sở chỉ tiêu kế hoạch về trồng cây, trồng rừng năm 2021 đã được UBND tỉnh giao, phân bổ chỉ tiêu cho các tổ chức, cơ quan, trường học, khu dân cư; cụ thể hóa địa điểm trồng cây, trồng rừng, địa điểm phát động Tết trồng cây…; đồng thời, chỉ đạo thực hiện các bước khảo sát, đào hố, chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, vật tư phân bón… bảo đảm cho kế hoạch trồng cây đạt hiệu quả cao. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bảo đảm đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn về chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp được quy định tại Thông tư số 30/2018/TT-BNNPTNT, ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tranh thủ thời vụ và thời tiết thuận lợi để trồng cây, trồng rừng. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh, các biện pháp thâm canh rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo vệ cây rừng sau khi trồng.
Phương Nhung