Lý giải nguyên nhân gây triều cường tại vùng ĐBSCL thời gian qua

Bích Thuần (t/h)|24/10/2018 07:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Trong những năm gần đây, người dân ĐBSCL phải liên tục đối mặt với triều cường dâng cao bất thường. Tình trạng ngập lụt đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất, kinh tế của nhiều hộ gia đình. Rất nhiều nguyên nhân được các nhà khoa học nhắc đến.

>>>Đam Rông, Lâm Đồng: Xảy ra lốc xoáy bất thường

>>>Động đất mạnh rung chuyển Nhật Bản và Đài Loan

Triều cường gây ngập sâu trên đường Mậu Thân, quận Ninh Kiều vào giờ tan tầm khiến việc đi chuyển rất khó khăn. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lũ đầu nguồn sông Cửu Long lên dần từ giữa tháng Bảy và đạt đỉnh vào nửa đầu tháng Chín.  Phó giáo sư-tiến sỹ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu về biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ) nhận xét, đỉnh lũ 2,23m ghi nhận vào ngày 10/10 là mực nước cao nhất lịch sử trong vòng 40 năm qua ở Cần Thơ. Nếu so sánh xa hơn nữa thì đây là mực nước cao bất thường trong lịch sử đo đạc. Theo phó giáo sư Lê Anh Tuấn, việc lũ kết hợp với triều cường gây ngập nặng vừa qua tại Cần Thơ và nhiều nơi khác ở Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều nguyên nhân

Cấu trúc địa hình

Do năm nay nước lớn hơn so với các năm trước. Đỉnh lũ ở khu vực Cần Thơ gặp kỳ triều cường lên nên không tràn được về phía biển được mà ứ lại làm nước trên các sông, rạch lên cao, gây ngập lụt nhiều tuyến đường trong thành phố.Bên cạnh đó, trước đó vài ngày, tại Cần Thơ đã xuất hiện nhiều trận mưa lớn làm các vùng trũng bị lấp đầy nước. Những yếu tố trên đã làm cho tình hình ngập lụt năm nay tại Cần Thơ nặng nề hơn.

Nguyên nhân gây ngập do nhiều yếu tố như lũ thượng nguồn kết hợp với triều cường, mưa cường suất lớn, kéo dài, quá trình xây dựng, đô thị hóa đã làm giảm sự điều tiết tự nhiên của bề mặt lưu vực, san lấp làm giảm các khu trữ nước tự nhiên. Ở khu vực nội thành, phần lớn bề mặt đất bị bê tông hóa, nhựa hóa… nên khi mưa xuống hầu như toàn bộ lượng nước mưa đều tập trung thành dòng chảy mặt, không thể thấm xuống đất hoặc trữ lại để giảm lượng dòng chảy tập trung, trong khi khả năng của hệ thống tiêu thoát nước còn hạn chế.

Khai thác tài nguyên, phát triển kinh tế

Về sản xuất nông nghiệp, vùng Tứ giác Long Xuyên rộng gần 489.000 ha thuộc địa bàn tỉnh An Giang, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ. Theo thống kê của Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, năm 2016 đã có tới 60.000ha lúa vụ 3 với cao trình bao đê trên 3m.  Với xu thế tiếp tục tăng diện tích sản xuất lúa vụ ba thì vùng trữ nước ở Tứ giác Long Xuyên sẽ giảm đi và độ sâu ngập ở các vùng trũng thấp khác sẽ tăng lên, trong đó có thành phố Cần Thơ.

Về phát triển đô thị, thành phố Cần Thơ những năm gần đây tốc độ phát triển về hạ tầng cơ sở rất nhanh, quá trình đô thị hóa nhanh, phát triển mạnh các khu công nghiệp nhưng hệ thống tiêu thoát nước của thành phố chưa thật hoàn chỉnh và đồng bộ, do đó triều cường mạnh cũng là nguyên nhân gây ngập úng vùng trũng thấp.

Về phát triển đô thị, thành phố Cần Thơ những năm gần đây tốc độ phát triển về hạ tầng cơ sở rất nhanh, quá trình đô thị hóa nhanh, phát triển mạnh các khu công nghiệp nhưng hệ thống tiêu thoát nước của thành phố chưa thật hoàn chỉnh và đồng bộ, do đó triều cường mạnh cũng là nguyên nhân gây ngập úng vùng trũng thấp.

Sụt lún do khai thác nước ngầm

Theo thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long, bên cạnh yếu tố nước lũ kết hợp triều cường dâng cao thì một trong các nguyên nhân chủ yếu gây ngập lụt các đô thị ở Đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua là do khu vực này đang bị sụt lún rất nhanh.

Dẫn báo cáo kết quả nghiên cứu của Đại học Utrecht (Hà Lan) do Đại sứ quán Hà Lan công bố tháng 6/2017, thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện cho hay trong 25 năm, từ năm 1991-2016, Đồng bằng sông Cửu Long đã bị sụt lún trung bình khoảng 18cm (một số điểm nóng sụt lún tích lũy trên 30cm). Đặc biệt càng về sau tốc độ sụt lún càng gia tăng, trong đó chỉ riêng năm 2015 sụt lún đến 2,5cm

Có chung nhận định, theo phó giáo sư Lê Anh Tuấn cho rằng mặt đất ở Đồng bằng sông Cửu Long đang có xu thế lún dần do hoạt động khai thác nước ngầm gia tăng trong những năm gần đây nên được xem xét như nguyên nhân sâu xa hơn.

Bên cạnh đó thì không gian trữ nước lũ lại đang bị thu hẹp. Ngày trước khi lũ về đến Đồng bằng sông Cửu Long được trữ ở hai túi nước chính là Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười. Vào mùa khô, lượng nước này sẽ thoát dần về phía hạ lưu, góp phần giảm bớt tình trạng xâm nhập mặn.

Tuy nhiên, trong hai thập niên vừa qua, rất nhiều đê bao đã hình thành ở hai vùng trữ lũ nói trên để phục vụ cho sản xuất lúa ba vụ. Do nước lũ không còn không gian chứa nên phải chảy sang những khu vực khác và đổ về phía hạ lưu, nơi có các đô thị như Cần Thơ, Vĩnh Long. Ngay cả xung quanh thành phố Cần Thơ cũng đã có một số tuyến đê bao ở các vườn cây ăn trái và các cồn trên sông. Đồng thời, rất nhiều công trình được xây dựng trên mặt đất, nền đường cũng được nâng cao làm khi lũ tràn về sẽ không còn theo quy luật như trước. Nước sẽ đổ dồn về chỗ thấp hơn, tại các khu vực bị lún do công trình xây dựng và khai thác nước ngầm. “Chúng tôi đang nghiên cứu xem đâu là nguyên nhân chính, đâu là nguyên nhân phụ hoặc có thể tổng hợp của nhiều nguyên nhân. Nhưng khó đánh giá chính xác ở thời điểm hiện tại,” phó giáo sư Lê Anh Tuấn nói

Một yếu tố nữa, do đây là dải đất nơi giao thoa giữa nước lũ và triều cường (khu vực từ Hậu Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang). Đây là khu vực không có không gian cho thoát nước, hầu như sông ngòi, kênh rạch hai bên là đê bao cũng là đường giao thông nên nước không tỏa ra được. Như vậy, ngoài các yếu tố khí tượng, thủy văn, nguyên nhân gây ngập nghiêm trọng ở Cần Thơ trong tháng 10 này là sự sụt lún ở Đồng bằng sông Cửu Long; phát triển nông nghiệp, sản xuất lúa vụ ba 3 và phát triển cơ sở hạ tầng đô thị.

Bích Thuần (t/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lý giải nguyên nhân gây triều cường tại vùng ĐBSCL thời gian qua