Lý Sơn sụt giảm mực nước ngầm, cần tìm kiếm giải pháp bền vững

Thanh Thư (t/h)|02/04/2019 07:05
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

– Từ đầu năm đến nay, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi chưa có đợt mưa nào. Hàng nghìn giếng nước trên đảo đang cạn khô. Nước ngầm tụt giảm, trong khi giải pháp tìm kiếm nguồn nước ngọt khác chưa thực sự bền vững.

>>> Gia Lai: Hạn hán khốc liệt, người dân điêu đứng

>>> Vụ phá rừng ở Phong Nha – Kẻ Bàng: Phát hiện 3 hầm gỗ quý

Hồ nước ngọt của miệng núi lửa trên đỉnh Thới Lới

Những năm trở lại đây,  trên huyện đảo Lý Sơn, mực nước ngầm đã sụt giảm nghiêm trọng. Theo kết quả đo đạt được của Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi, từ đầu năm đến nay, trên đảo không có mưa, cộng thêm đang bước vào mùa khô nên mực nước ngầm trên đảo khó có thể đảm bảo các nhu cầu sinh hoạt.

Cùng với việc sụt giảm mạch nước ngầm, tình trạng xâm nhập mặn trên địa bàn đang diễn ra nghiêm trọng. Cụ thể, ở xã An Vĩnh, ranh giới xâm nhập mặn vào sâu từ 300 – 500m so với mép nước biển; ở xã An Bình vào sâu từ 100 – 200m và xã An Hải từ 50 – 100m, nhất là ở khu vực đảo Bé, tình trạng thiếu nước đã diễn ra. Trong 5 năm trở lại đây, người dân ở đảo Bé phải sang đảo Lớn mua nước về sinh hoạt.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do tình trạng khai thác nước ngầm ồ ạt (khoan giếng) để lấy nước canh tác nông nghiệp. Chỉ tính riêng khu vực phía đông của xã An Vĩnh, trên cánh đồng tỏi diện tích nhỏ hẹp đã xuất hiện hàng chục giếng đào để lấy nước tưới cho hành tỏi và hoa màu khác. Ngoài ra, nhu cầu sử dụng nước ngọt phục vụ dân sinh, du lịch ngày một gia tăng, nhưng ý thức tiết kiệm nước chưa được chú trọng. Hơn nữa, diễn biến khí hậu, thời tiết bất thường, lượng mưa ít dần cũng đẩy hòn đảo này vào cảnh “kiệt nước ngầm”.

Hiện Lý Sơn đang là cao điểm của mùa xây dựng với hàng loạt các công trình lớn như: Quảng trường Trung tâm; Trung tâm Hành chính – Chính trị; Chợ trung tâm Lý Sơn… và thêm 5 dự án chuẩn bị được phê duyệt. Việc quy hoạch, xây dựng quá nhiều công trình lớn cùng một lúc trên một diện tích đảo vốn được hình thành trên 5 miệng giếng núi lửa được cho là đã ảnh hưởng một phần không nhỏ của việc tụt giảm nước ngầm trên đảo.

Toàn huyện Lý Sơn có hơn 2.000 giếng nước đều trong tình trạng cạn rất nhanh. Do nguồn nước ngọt cạn kiệt nên nước mặn xâm nhập, ảnh hưởng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt và phục vụ tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp. Huyện Lý Sơn cũng đã bố trí nguồn kinh phí 75 tỷ đồng để đầu tư dự án “Hệ thống trữ nước sinh hoạt kết hợp tưới tiết kiệm cho nông nghiệp đảo Lý Sơn” giúp nông dân Lý Sơn chủ động hơn trong công tác phòng chống hạn, ổn định sản xuất nông nghiệp.

Để chủ động trong công tác phòng chóng hạn, huyện đang nghiên cứu đề xuất với cấp trên giải pháp cấp nước ngọt bền vững cho đảo. Theo đó, một mặt bảo vệ nghiêm ngặt nguồn nước ngầm, mặt khác đề xuất thêm 2 giải pháp công nghệ, gồm: Đầu tư máy lọc nước biển thành nước ngọt và lắp đặt hệ thống đưa nước ngọt từ đất liền vượt biển ra đảo. Nếu đầu tư máy lọc nước biển thành nước ngọt, thì vốn đầu tư ban đầu không lớn, nhưng quá trình vận hành, bảo trì, bảo dưỡng khá tốn kém. Còn đầu tư hệ thống đường ống cấp nước từ đất liền ra, thì đầu tư ban đầu lớn, nhưng vận hành không tốn kém bao nhiêu.

Thanh Thư (t/h)

   

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lý Sơn sụt giảm mực nước ngầm, cần tìm kiếm giải pháp bền vững