Mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Trung Quốc: Một hành trình lịch sử

PV tổng hợp|13/12/2023 12:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Việt Nam và Trung Quốc là láng giềng gần gũi, mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Trung Quốc được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông dày công vun đắp đang ngày càng 'đơm hoa kết trái'.

Quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Trung Quốc

Hơn 70 năm kể từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 18/1/1950, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc duy trì đà phát triển với dòng chảy chính là hữu nghị và hợp tác. Tình hữu nghị do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông cùng các thế hệ lãnh đạo hai nước dày công vun đắp đã trở thành tài sản chung quý báu của hai dân tộc, góp phần duy trì xu thế phát triển ổn định quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Trung Quốc, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.

Hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước đã kề vai sát cánh, dành cho nhau sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn và quý báu, góp phần vào thành công của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước.

Năm 2008, Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, mở ra chương mới trong quan hệ song phương. Với nỗ lực chung của cả hai bên, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc những năm qua tiếp tục có bước phát triển quan trọng trên các lĩnh vực, dựa trên phương châm "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. Những năm gần đây, dưới sự chỉ đạo, định hướng trực tiếp của hai đồng chí Tổng Bí thư, đặc biệt là sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc mang ý nghĩa lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (30/10-1/11/2022), quan hệ giữa hai nước duy trì xu thế phát triển với những kết quả tích cực.

trung-quoc-viet-nam.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Thương mại bứt tốc

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường hiện nay, công cuộc đổi mới, cải cách mở cửa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước bước vào giai đoạn mới, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn từng khẳng định, chuyến thăm chính thức Trung Quốc năm 2022 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa hết sức quan trọng, tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc trong giai đoạn mới; củng cố tin cậy chính trị, góp phần tạo nền tảng chính trị vững chắc và thúc đẩy hợp tác thực chất trên các lĩnh vực giữa hai nước; tăng cường tình cảm hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Trung Quốc.

Năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 15 năm Ngày hai nước thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, là cột mốc quan trọng trong mối quan hệ song phương. Từ đầu năm 2023 đến nay, lãnh đạo cấp cao hai bên duy trì các hình thức trao đổi, tiếp xúc linh hoạt. Các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao được tích cực triển khai, trong đó nổi bật là chuyến đi của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Diễn đàn cấp cao Hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ 3 tại Bắc Kinh, Trung Quốc (ngày 17-20/10); Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức Trung Quốc và dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Thiên Tân, Trung Quốc (ngày 25-28/6); dự lễ khai mạc Hội chợ Trung Quốc - ASEAN (CAEXPO) lần thứ 20 tại Quảng Tây (ngày 16-19/9). Bên cạnh đó, giao lưu, hợp tác giữa hai Đảng được duy trì thường xuyên; các cấp, các ngành, địa phương hai bên tích cực khôi phục trao đổi đoàn sau khi Trung Quốc điều chỉnh chính sách phòng dịch COVID-19.

“Sau 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc duy trì xu hướng ổn định và phát triển tốt. Tôi cho rằng hợp tác thiết thực giữa hai nước đã đạt đến mức cao nhất trong lịch sử", Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba nhận định. Trong chuyến công du mới đây đến Việt Nam, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng nhấn mạnh Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc hết sức coi trọng quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện với Đảng, nhà nước và nhân dân Việt Nam, “coi phát triển quan hệ với Việt Nam là phương hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc”.

Ngoài nâng cao tin cậy chính trị, Việt Nam và Trung Quốc cũng tăng cường hợp tác đầu tư và kinh tế, thương mại. Năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt 175,56 tỷ USD (tăng 5,47%). Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc tính theo quốc gia đơn lẻ (sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc). Về đầu tư, trong 10 tháng đầu năm 2023, đầu tư của Trung Quốc đạt hơn 2,5 tỷ USD với 555 dự án, là nhà đầu tư FDI lớn thứ 4 tại Việt Nam. Từ đầu năm 2023 đến nay, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt các doanh nghiệp có khả năng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu đã tăng cường khảo sát đầu tư tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam. Về du lịch, Trung Quốc nhiều năm dẫn đầu về lượng du khách đến Việt Nam (năm 2019 đạt hơn 5,8 triệu lượt người, chiếm 1/3 tổng khách quốc tế đến Việt Nam). Trong 10 tháng đầu năm, Việt Nam đã đón 1,3 triệu lượt khách Trung Quốc, đứng thứ 2 trong số các thị trường gửi khách đến Việt Nam (sau Hàn Quốc với 2,9 triệu lượt).

Hợp tác trong chuyển đổi xanh

Theo TS. Nguyễn Khắc Giang, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS, Singapore), nhận định rằng VN và TQ đều có vị trí rất quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, hợp tác kinh tế trong thời gian tới chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển, khi VN nỗ lực bước lên nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị.

Cũng theo TS. Giang, thời gian tới, TQ có thể tận dụng thế mạnh của mình là nước đi đầu về năng lượng tái tạo, hỗ trợ VN nhiều hơn trong quá trình chuyển đổi xanh và trung hòa carbon.

TQ trong những năm gần đây đã rất nỗ lực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh trong nước. Theo hãng tin Al Jazeera, TQ đang vươn lên vị trí dẫn đầu thế giới về năng lượng tái tạo và xây dựng các hệ thống năng lượng mặt trời.

Theo chuyên trang Global Energy Prize, kết quả sơ bộ năm 2023 một lần nữa chứng minh rằng TQ là một trong những nước đi đầu trong việc phát triển năng lượng tái tạo. Chỉ trong 10 tháng đầu năm 2023, TQ đã đưa vào sử dụng 190 GW năng lượng tái tạo, tăng gần 91% so với cùng kỳ năm 2022.

Còn theo đánh giá của Cơ quan Năng lượng quốc gia TQ, công suất của các nhà máy điện dựa trên nguồn năng lượng tái tạo ở TQ là khoảng 1,4 terawatt (TW), chiếm tỉ trọng 49,9% nguồn cung cấp điện của TQ. Trong đó, nguồn năng lượng khai thác từ mặt trời chiếm tỉ trọng lớn nhất, thứ hai là các nhà máy thủy điện, thứ ba là tuabin gió với tổng công suất lần lượt là 536 GW, 420 GW và 404 GW.

“TQ hiện là nước đi đầu cả về công nghệ lẫn nguồn tài chính phát triển lĩnh vực này. Tăng cường hợp tác với TQ trong các lĩnh vực phù hợp sẽ giúp VN giải quyết được hai vấn đề lớn nhất trong quá trình chuyển đổi xanh là tài chính và công nghệ”, TS. Giang nhận định.

Những kỳ vọng, cơ hội lớn mở ra từ chuyến thăm

Chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra vào thời điểm kỷ niệm 15 năm Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh, trong một bối cảnh như vậy và với tầm quan trọng của chuyến thăm, chắc chắn đây sẽ là một dấu mốc lịch sử mới trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.

trung-quoc-viet-nam-1.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cùng xem và nghe giới thiệu các văn kiện hợp tác giữa hai nước đã được ký kết.

Lãnh đạo Bộ Ngoại giao nêu rõ, có 3 điểm mà hai bên đều rất kỳ vọng vào chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Thứ nhất là kỳ vọng về một “định vị mới”, “tầm mức mới” của quan hệ song phương. Trên cơ sở thành quả quan trọng của 15 năm thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, Lãnh đạo hai Đảng, hai nước sẽ làm sâu sắc hơn nữa khuôn khổ hợp tác cho tương lai lâu dài của quan hệ hai nước theo hướng bền vững, thực chất và hiệu quả hơn, góp phần vào xu thế hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực và trên thế giới. Thứ hai là kỳ vọng về những kết quả hợp tác thực chất trên các lĩnh vực. Lãnh đạo hai Đảng, hai nước sẽ xác định những phương hướng, trọng tâm lớn cũng như các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, đáp ứng lợi ích của cả hai bên. Sẽ có thể có một số lượng lớn văn kiện trên nhiều lĩnh vực được ký kết, tạo cơ sở quan trọng để các cơ quan, địa phương, người dân và doanh nghiệp triển khai hợp tác hiệu quả hơn trong thời gian tới. Thứ ba là kỳ vọng về hiệu ứng lan tỏa của chuyến thăm đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân. Chuyến thăm này, cùng với chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo động lực và xung lực mạnh mẽ cho các ngành, các cấp, các địa phương và đoàn thể nhân dân tiếp tục duy trì và phát triển các mối quan hệ sẵn có, qua đó xây dựng nền tảng xã hội vững chắc, tốt đẹp cho sự phát triển của quan hệ song phương.

Đại sứ Hùng Ba nêu rõ, chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình là cơ hội rất quan trọng để Lãnh đạo cấp cao hai bên duy trì và tăng cường trao đổi chiến lược cấp cao trong tình hình mới, dựa trên nền tảng vững chắc của quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - Việt Nam được tích lũy trong 15 năm, tiếp tục xác định vị thế mới của quan hệ song phương trong thời kỳ mới, xác định hướng đi mới cho sự phát triển tiếp theo, mở ra những triển vọng hợp tác mới giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực, đồng thời tạo ra động lực mới cho sự phát triển bền vững của quan hệ Trung - Việt. Vì vậy, theo Đại sứ, có thể nói một cách khái quát là định vị mới, hướng đi mới, động lực mới. Lãnh đạo cấp cao hai nước sẽ đi sâu trao đổi ý kiến về một loạt vấn đề quan trọng, như làm sâu sắc hơn nữa hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế thương mại, giao lưu nhân dân, tăng cường hợp tác ở các cơ chế đa phương.

Trong chuyến thăm, hai bên ký hàng chục văn kiện hợp tác quan trọng trong các lĩnh vực như hợp tác kênh Đảng, hợp tác giữa các cơ quan và địa phương, an ninh - quốc phòng, tư pháp, truyền thông, kết nối phát triển, kinh tế, thương mại và đầu tư, kinh tế số, phát triển xanh, xuất nhập khẩu hàng nông sản, thủy lợi, hợp tác trên biển... Đồng thời, Đại sứ Hùng Ba cho biết, trong chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Lãnh đạo hai nước sẽ đi sâu trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực hai bên cùng quan tâm. Vì vậy, chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ góp phần quan trọng trong việc giữ vững hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực cũng như thế giới và chắc chắn sẽ nhận được sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng quốc tế.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Trung Quốc: Một hành trình lịch sử