Mùa Xuân lên Hà Giang trẩy hội Gầu Tào

Phạm An|27/01/2020 03:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Trong không khí Xuân rạo rực, cùng đồng bào người Mông vui Lễ hội Gầu Tào, một lễ hội độc đáo trên miền đất cực Bắc Tổ quốc.

Hà Giang là vùng đất giàu bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc.Mỗi độ Xuân về là đồng bào các dân tộc thiểu số ở Hà Giang lại nô nức tổ chức các lễ hội mang đậm bản sắc. Trong không khí Xuân rạo rực, cùng đồng bào người Mông vui Lễ hội Gầu Tào, một lễ hội độc đáo trên miền đất cực Bắc Tổ quốc.

Khi sắc đào phai đã thắm hồng đua nhau khoe sắc, hoa cải vàng ruộm trên nương là báo hiệu một mùa xuân mới. Trong những ngày đầu Xuân, đến với Hà Giang, không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ, những giá trị di sản địa chất, di sản văn hóa ở nơi đây, mà còn chứng kiến lễ hội Gầu Tào. Đây là một nghi lễ quan trọng trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc Mông với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống đặc sắc. Đây là một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng bên cạnh phần lễ, phần hội còn bộc lộ rõ bản sắc văn hoá dân tộc qua các sinh hoạt cộng đồng.

Một cây nêu được trang trí bằng những sợi dây dán giấy màu ngũ sắc- đây là nét đặc trưng của lễ hội Gầu Tào đồng bào Mông vùng Hà Giang

Sống rải rác trên các triển núi cao giữa thiên nhiên, đời sống vật chất còn nhiều khó khăn nhưng đồng bào Mông có một đời sống tinh thần, tâm linh phong phú, đa dạng.Lịch sử dân tộc và điều kiện sống đã sản sinh ra nền văn hoá truyền thống Mông mang đậm dấu ấn miền núi cao vừa khắc nghiệt vừa trữ tình.

Lễ hội Gầu Tào được tổ chức tại tất cả các thôn bản, làng xã, thị trấn có đồng bào dân tộc Mông định cư sinh sống. Có thể nói, đây là lễ hội dân gian truyền thống của dân tộc Mông nói chung, thường do một gia đình hay một thôn bản đứng ra chủ trì tổ chức tại những vùng miền, địa điểm phù hợp, thuận tiện cho việc tổ chức lễ hội đạt kết quả. Khi lễ hội chính thức được thông báo thì hầu hết tất cả nhân dân sinh sống trên địa bàn đều nô nức hưởng ứng tham gia phần hội bất kể là dân tộc gì.

Trước đây, Lễ hội Gầu Tào được tổ chức gắn với việc cầu tự, xin thần linh phù hộ cho gia chủ và con cháu mạnh khỏe, có con trai nối dõi tông đường. Dần dần, Gầu Tào trở thành Lễ hội vui Xuân của đồng bào Mông, cầu phúc cho cả bản, làng; mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, người người mạnh khỏe, nhà nhà yên vui.

Nam thanh niên thể hiện một điệu múa khèn trong lễ hội Gầu Tào

Từ ngày mồng Một đến ngày Rằm tháng Giêng hàng năm, bà con dân tộc Mông ở Hà Giang tổ chức lễ hội Gầu Tào, nhằm mục đích cầu phúc hay cầu mệnh.Nếu hội tổ chức ba năm liền thì mỗi năm tổ chức 3 ngày, còn hội làm gộp một năm sẽ tổ chức trong 9 ngày.Gầu Tào là lễ hội lớn nhất, đông người tham gia nhất và cũng nhiều nghi thức đặc sắc nhất của người Mông.

Gầu Tào” theo tiếng Kinh có nghĩa là lễ cúng, trong đó, sẽ tạ trời đất, thần linh, thổ địa đã phù hộ độ trì cho gia chủ và con cháu khỏe mạnh, con trai nối dõi tông đường, chăm sóc tổ tiên, dòng họ; cầu phúc, cầu lộc, tạ ơn trời đất đã phù hộ cho dân bản cuộc sống ấm no, mùa màng bội thu, ngô lúa đầy sàn… Đây cũng là dịp để mọi người gặp gỡ nhau, vui chơi, hát các điệu hát giao duyên và cùng nhau múa khèn, say bên những chén rượu đầu xuân…

Mờ sáng ngày đầu năm, từ mọi nẻo đường, các chàng trai, cô gái, những cụ già, em nhỏ xúng xính trong những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất nhanh chân vén màn sương sớm để đi hội Gầu Tào.

Lễ hội Gầu Tào gồm phần lễ và phần hội.Mở đầu là phần lễ, sau khi gia chủ hoặc thầy mo, già làng trưởng bản làm những thủ tục lễ bái, bà con trong bản đều đến tập trung đông đủ.Phần lễ được diễn ra trong không khí trang nghiêm, huyền bí. Các lễ vật cúng, như: Thủ lợn, giấy tiền, ngô, thóc, rượu… đã được bà con chuẩn bị chu đáo từ hôm trước. Sau bài khấn xin phép các vị thần linh, cây nêu được dựng lên giữa một bãi đất bằng phẳng, rộng rãi. Cạnh cây nêu có hai cọc gỗ, bên trên buộc một xà ngang dùng để treo các chùm hạt giống, như: Ngô, thóc, đậu tương, phía trên cây nêu gần với ngọn buộc chiếc lồng có một con gà trống và một chai rượu, tượng trưng cho mong muốn về một năm mới ấm no, đủ đầy. Thầy cúng thay mặt bà con dân bản tiến hành phần nghi lễ huyền bí, cầu xin các vị thần linh ban cho mưa thuận gió hòa, lúa ngô đầy bồ, lợn, gà béo tốt, dân bản ấm no.

Kết thúc phần lễ, người già, trẻ nhỏ, nam thanh, nữ tú cùng bước vào phần hội trong không khí vui tươi, rộn ràng. Điều thú vị là Gầu Tào ban đầu vốn là lễ hội của người Mông, nhưng nay tất cả các dân tộc sinh sống ở trong vùng đều tham gia khiến ngày hội càng thêm đông vui, náo nhiệt. Đám thanh niên trai tráng ra sức tranh tài trong các phần thi: Leo cột, bắn nỏ, đẩy gậy, đánh cù. Các thiếu nữ mải mê khoe sắc trong những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất, dưới nắng Xuân tỏa rạng khắp núi rừng cùng nhau đánh yến, say sưa hát đối đáp, giao duyên. Trong khi các chị, các mẹ lại rộn ràng trong phần thi thêu hoa văn, thi giã bánh dày, thi đan quẩy tấu… Tiếng nói cười rôm rả khắp một vùng.

Tại lễ hội, nhiều tiết mục văn nghệ dân gian đặc sắc được các chàng trai, cô gái Mông thể hiện, như: Thổi khèn lá, sáo Mông, múa khèn, múa gậy Sinh Tiền. Giữa không gian ồn ã của lễ hội, tiếng sáo trong trẻo cất lên như lời thổ lộ tâm tình của chàng trai với cô gái mình thương. Đàn ông Mông thường mang theo sáo như một người bạn đồng hành, kể cả khi lao động hay trong các dịp lễ hội. Bên cạnh đó không thể thiếu màn múa khèn đặc sắc kết hợp giữa tiếng khèn dìu dặt với các động tác đan chân, nhào lộn đẹp mắt. Màn múa võ cổ truyền cũng thu hút đông đảo người xem bởi những đường võ uyển chuyển nhưng cũng không kém phần rắn rỏi, mạnh mẽ.

Màn kéo co gay cấn trong lễ hội Gầu Tào.

Không ồn ào và náo nhiệt như nhiều phần thi khác, phần thi đan quẩy tấu vẫn có sức hút riêng đối với nhiều người. Ở bản Mông, ngay từ khi mới sinh ra, đứa trẻ đã được làm quen với quẩy tấu khi cùng mẹ lên nương, xuống chợ, rồi khi lên 5, lên 6 tuổi đã được người lớn đan riêng cho một cái, và kể từ đó chiếc quẩy tấu cứ chễm chệ trên lưng, cùng họ bước vào đời. Phụ nữ Mông đã có gia đình, mang quẩy tấu thể hiện sự đảm đang, chăm chỉ vun vén cho hạnh phúc gia đình. Con gái chưa chồng mang quẩy tấu như lời khẳng định, hứa hẹn với đám trai bản rằng mình là người ưa lao động, khéo léo, đảm đang… Với nguyên liệu là tre, nứa và dây mây, các nghệ nhân nhanh chóng hoàn thiện chiếc quẩy tấu của đội mình trong tiếng reo hò, cổ vũ của những người xung quanh.

Cuộc vui kết thúc, thầy cúng thay mặt gia chủ tạ ơn tổ tiên, trời đất, thần linh, xin phép hạ cây nêu, đốt giấy sớ, đem bầu rượu buộc trên ngọn Nêu tưới khắp các hướng của đồi núi.

Lễ hội Gầu Tào không chỉ là nơi để thỏa mãn nhu cầu tâm linh mà còn là nơi để người Mông thỏa mãn nhu cầu tinh thần, thông qua các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh. Lễ hội Gầu Tào là một nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Mông ở Hà Giang nói riêng, các tỉnh vùng cao Tây Bắc nói chung.

Tết ở vùng cao đến sớm nhưng đi thật muộn bởi phải chờ đến khi sương muối thôi rơi, mặt trời ở lại lâu trên núi, đất mới mềm ra để trồng cấy. Trên khắp các bản làng, những chén rượu nồng cùng với những lời chúc tốt đẹp đầu năm mới hòa quyện cùng tiếng khèn, tiếng hát của các chàng trai, cô gái Mông trở thành một giai điệu rộn ràng, thiết tha mời gọi đến với Hà Giang, đến với lễ hội Gầu Tào… để được trải nghiệm, khám phá những nét đẹp riêng có của đồng bào dân tộc Mông nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc.

Phạm An

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Mùa Xuân lên Hà Giang trẩy hội Gầu Tào