Nhiệt độ tiếp tục tăng trong năm 2022
GS. TS Trần Hồng Thái – Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV cho biết: “Nhiệt độ trung bình toàn cầu năm 2022 được dự báo tiếp tục tăng, từ 0,97 độ C đến 1,21 độ C so với giá trị trung bình của thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900) và có thể là năm thứ 8 liên tiếp có nhiệt độ vượt quá 1,0 độ C so với nhiệt độ thời kỳ tiền công nghiệp”.
Theo ông Thái, hiện tượng ENSO đang ở trạng thái La Nina (pha lạnh) và dự báo còn tiếp tục duy trì đến khoảng mùa Thu năm 2022 với xác suất 65-70% trước khi chuyển sang pha trung tính. Trong những năm La Nina, cần lưu ý đề phòng mưa lớn cực đoan ở khu vực Tây Thái Bình Dương trong đó có các nước Đông Nam Á và Việt Nam.
Dự báo nắng nóng có khả năng xuất hiện muộn hơn so với trung bình và có khả năng không gay gắt, không kéo dài như năm 2021.
Trong các tháng mùa lũ chính vụ, lượng dòng chảy trên các lưu vực sông khu vực Bắc Bộ phổ biến thiếu hụt từ 5-20% so với trung bình nhiều năm (TBNN), thiếu hụt nhiều trên lưu vực sông Thao, hạ lưu sông Lô, riêng thượng lưu sông Gâm và sông Chảy ở mức xấp xỉ TBNN.
Trong tháng 5 và tháng 6/2022, nguy cơ xảy ra khô hạn, thiếu nước cục bộ ngoài vùng cấp nước của các công trình thủy lợi tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên.
Cánh đồng dưa hấu bên sông Vu Gia bị nước lũ nhấn chìm.
Mùa mưa đến sớm và có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm
Ông Trần Hồng Thái nhận định: “Mùa mưa năm 2022 sẽ đến sớm hơn trung bình nhiều năm và có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn quốc, có khả năng cao xảy ra hiện tượng mưa cực đoan: Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất tại vùng núi và thượng lưu sông suối nhỏ; mưa lũ bên mức báo động 3 tại khu vực miền Trung; các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, mưa đá… trên phạm vi toàn quốc”.
Cụ thể, mùa mưa bắt đầu sớm hơn so với TBNN ở khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Trong các tháng mùa mưa bão, tại khu vực Bắc Bộ lượng mưa có xu hướng cao hơn TBNN, đề phòng các đợt mưa lớn có khả năng xảy ra từ khoảng tháng 6-8/2022. Tuy nhiên, tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ lượng mưa có xu hướng thiếu hụt so với trung bình trong giai đoạn tháng 6-9/2022.
Khu vực Trung Bộ, tổng lượng mưa dự báo cao hơn TBNN trong các tháng 10 đến tháng 11/2022, đề phòng khả năng xuất hiện các đợt mưa lớn gây lũ và ngập lụt trong giai đoạn này.
Khu vực Bắc Bộ: Đỉnh lũ năm 2022 trên các sông ở Bắc Bộ phổ biến ở mức BĐ1-BĐ2, phổ biến cao hơn năm 2021, riêng các sông suối nhỏ từ BĐ2-BĐ3. Các đợt lũ lớn phổ biến tập trung vào nửa cuối mùa lũ (tháng 8).
Khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên: Lũ trên các sông ở khu vực Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên khả năng đến sớm hơn TBNN, ở khu vực Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ xuất hiện tương đương TBNN. Đỉnh lũ năm 2022, tại hạ lưu các sông chính từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh ở mức BĐ1-BĐ2 (xấp xỉ TBNN và cao hơn năm 2021); các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên ở mức BĐ2-BĐ3, có sông trên BĐ3, tương đương đỉnh lũ TBNN.
Khu vực Nam Bộ: Mùa lũ 2022 trên sông Mê Công khả năng đến sớm hơn so với TBNN, nhưng chưa có dấu hiệu xuất hiện lũ lớn ở đồng bằng sông Cửu Long. Đỉnh lũ năm 2022 ở đầu nguồn sông Cửu Long ở mức BĐ1 và trên BĐ1, thấp hơn TBNN từ 0,3-0,5m./.
Phát biểu kết luận, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng trước hết phải đổi mới nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai. Đây là công việc khó, đòi hỏi trình độ và tinh thần trách nhiệm của bộ máy. Đồng thời, các địa phương triển khai ngay công tác kiểm tra, rà soát phương tiện, kế hoạch phòng chống thiên tai.
Ngoài ra, Phó thủ tướng cũng cho rằng công tác vận hành hồ chứa trên các hệ thống sông ở miền Trung, Tây Nguyên còn nhiều bất cập, việc thông tin giữa đơn vị quản lý vận hành với chính quyền địa phương còn chưa tốt. Việc thông báo xả lũ chưa kịp thời dẫn tới bị động trong ứng phó.
“Khi xả lũ, chúng ta phải kiểm soát quy trình, nếu vì lợi ích mà để đầy quá mới xả thì rất nguy hiểm. Sự phối hợp không nhịp nhàng dẫn tới nước dâng lên nhanh, người dân không kịp ứng phó”, Phó thủ tướng nói.
Đợt mưa lũ bất thường từ 30/3 đến 2/4 với lượng phổ biến 200-600 mm, một số nơi như Khe Tre (Thừa Thiên Huế) hơn 830 mm, đã khiến bốn người chết, hàng nghìn lồng bè nuôi trồng thủy sản bị chìm. Thiệt hại kinh tế khoảng 2.300 tỷ đồng, gần bằng một nửa so với thiệt hại của cả năm 2021.
Giang Anh