Nâng cao hiệu quả phân loại rác tại nguồn ở TP Hồ Chí Minh

Hà An|23/08/2020 07:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – TP.HCM đã triển khai hàng loạt giải pháp, mô hình thí điểm, tuy nhiên chương trình thu gom, phân loại rác tại nguồn vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi.

Mỗi ngày, trên toàn địa bàn TP phát sinh khoảng hơn 9.000 tấn rác sinh hoạt, 1.500-2.000 tấn rác công nghiệp, 1.200-1.600 tấn rác thải xây dựng, 22 tấn rác thải y tế và hơn 2.000 tấn bùn thải các loại và trung bình mỗi năm tăng thêm 10%.

Cùng với sự phát triển kinh tế, TP.HCM ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Từ thực tế đó, TP.HCM xác định giảm thiểu ô nhiễm môi trường là một những nhiệm vụ trọng tâm. Do vậy, thành phố triển khai nhiều giải pháp để hạn chế ô nhiễm, tiêu biểu là chương trình Phân loại rác thải tại nguồn (PLRTN).

Người dân tham gia tập huấn cách phân loại các loại rác thải.

TP.HCM là một trong những địa phương lớn của cả nước. Thế nhưng, sự phát triển mạnh mẽ, nguy cơ gia tăng dân số, ô nhiễm môi trường là những điều chúng ta đang phải đối mặt. Thực hiện PLRTN sẽ góp phần giảm chi phí xử lý rác, nước rỉ rác; tiết kiệm diện tích đất chôn lấp rác cũng như bảo vệ môi trường.

Theo định hướng, thành phố đặt ra lộ trình sẽ giảm tỷ lệ xử lý rác bằng phương pháp chôn lấp còn 50% vào năm 2020 (hiện tại chôn lấp khoảng 76%) và 20% vào năm 2025. Để thực hiện được điều này đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ phía cơ quan chức năng. Đồng thời đó còn là tinh thần tự giác, vì lợi ích chung của người dân.

Trước thực trạng hiện nay, TP.HCM đang xem xét những phương án mới để việc PLRTN khả thi hơn. Đơn cử như thay đổi phương thức phân loại và xử lý rác thải. Theo đó, thành phố đang ưu tiên triển khai công nghệ đốt rác phát điện, giảm dần tỷ lệ chôn lấp. Do vậy, thay vì phân loại rác theo ba nhóm: hữu cơ, vô cơ và tái chế như trước, người dân chỉ cần phân loại rác ra thành hai loại: rác tái chế và rác thải còn lại.

Trong thời gian tới, TP sẽ mời gọi các nhà đầu tư xử lý rác theo mô hình biến rác thành điện (điện rác); tiếp tục rà soát, triển khai hiệu quả Quyết định 1832/QĐ-UBND của UBND TP về ban hành Kế hoạch triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn TP giai đoạn 2017-2020, trong đó Sở Tài nguyên và Môi trường TP xây dựng kế hoạch kiểm tra việc thực hiện của các quận – huyện để nhằm lắng nghe và tháo gỡ vướng mắc cho địa phương. Việc kiểm tra triển khai phân loại rác thải phải gắn với từng địa bàn và ở từng địa bàn phải có giải pháp khác nhau. TP khuyến khích các quận – huyện có giải pháp, kinh nghiệm để nhân rộng.

Ngoài ra, TP cần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phân loại rác tại nguồn thông qua hình thức tuyên truyền trực quan như tổ chức các chuyến tham quan cho học sinh, đoàn viên, thanh niên,…

Ngoài những lợi ích về môi trường và kinh tế, việc PLRTN góp phần thực hiện từng bước công tác xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường, giảm chi ngân sách nhà nước, đồng thời nâng cao vai trò của người dân trong việc chung tay cùng với chính quyền thực hiện tốt công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, tiến đến xây dựng TP.HCM trở thành đô thị văn minh, xanh-sạch-đẹp.

Hà An

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Nâng cao hiệu quả phân loại rác tại nguồn ở TP Hồ Chí Minh
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.