(Moitruong.net.vn) – Bên cạnh những thành tựu mà ngành y tế Việt Nam đạt được rất đáng tự hào như: lần đầu tiên Việt Nam thực hiện thành công ca ghép phổi từ người cho sống; Việt Nam tự chủ sản xuất vắc xin Sởi Rubella… thì ngành y tế cũng còn có không ít khó khăn và thách thức ở phía trước.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến để hiểu rõ hơn về ngành y tế trong năm 2017 và những điểm nhấn mới trong năm 2018.
Phóng viên (PV): Y tế là lĩnh vực nóng, người dân rất quan tâm và cũng có nhiều bức xúc. Thời gian qua, ngành Y tế đã có nhiều thay đổi nhằm từng bước lấy lại niềm tin của người bệnh. Là tư lệnh ngành, Bộ trưởng có cảm thấy hài lòng về những kết quả ngành đã đạt được hay không?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Trong thời gian qua, Bộ Y tế tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt trong toàn ngành nhiều kế hoạch nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tại các cơ sở y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Điển hình như việc thực hiện đổi mới phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế bước đầu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, được người dân và cả cán bộ y tế đồng tình ủng hộ; ý thức của cán bộ y tế đã có sự thay đổi từ tư tưởng “ban ơn” sang trạng thái “cung cấp dịch vụ, phục vụ”. Nhiều tập thể, cá nhân trong ngành y tế thực hiện tốt phong cách, thái độ phục vụ đã được khen thưởng, nêu gương.
Kết quả trong năm qua cho thấy, mức độ hài lòng của người bệnh đối với phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế: đạt chung 89,8% (Trung ương: 88%; tỉnh: 94%; huyện: 85,7% – số liệu 6/2017).
Điều kiện cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường xanh – sạch – đẹp tại khu vực khám bệnh cũng như tại bệnh phòng trong các bệnh viện đã ngày càng được cải thiện và nâng cấp hơn. Việc tiếp đón và hướng dẫn, cung cấp thông tin cho người bệnh về quy trình khám, chữa bệnh, địa điểm cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh cũng như các thủ tục hành chính, chế độ chính sách về khám, chữa bệnh đã được các bệnh viện thực hiện tận tình, chu đáo hơn so với trước.
Nhìn chung, trong năm 2017, bộ mặt các bệnh viện thay đổi rõ rệt. Cán bộ y tế và nhân viên công tác xã hội trong các bệnh viện thực hiện tương đối tốt việc chăm sóc toàn diện cho người bệnh thông qua kết nối họ với các dịch vụ xã hội trong và ngoài bệnh viện.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích nổi bật đã đạt được, vẫn còn không ít người bệnh phàn nàn về tinh thần, thái độ phục vụ của một bộ phận nhân viên y tế, nhân viên phục vụ trong các bệnh viện. Đó là tình trạng quá tải tại các bệnh viện, tình trạng xuống cấp của điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và các dịch vụ hỗ trợ trong một số bệnh viện, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở…
PV: Trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2018, Bộ trưởng sẽ ưu tiên cho công việc nào để người dân hài lòng hơn nữa và thêm tin tưởng vào ngành y và đội ngũ y, bác sỹ?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Trong số những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018, để người dân hài lòng hơn nữa và thêm tin tưởng vào đội ngũ y, bác sỹ, cần ưu tiên tập trung thực nâng cao tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ y tế, kỹ năng giao tiếp, ứng xử thông qua việc siết chặt kỷ cương, tăng cường y đức, cùng với việc phát động các phong trào thi đua, nêu gương người tốt việc tốt.
Năm 2018 là năm bản lề, quyết định trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020. Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu tại các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế đề ra 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm năm 2018.
Đó là khẩn trương triển khai thực hiện các Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, về công tác dân số trong tình hình mới. Xây dựng Chương trình sức khỏe Việt Nam trên cơ sở tổng hợp, kết nối các chương trình, đề án về nâng cao sức khỏe và tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 – 2030.
Bộ Y tế đẩy mạnh thực hiện Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới, triển khai mô hình điểm tại 26 trạm y tế xã; mở rộng mô hình bác sỹ gia đình, quản lý sức khỏe đến từng người dân. Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế quốc gia, bảo đảm vắc xin và duy trì tỷ lệ tiêm chủng mở rộng trên 95%.
Ngành y tế tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm quá tải, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh: phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh; tăng cường chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới; thực hiện các giải pháp duy trì mức sinh thấp hợp lý, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh.
Đặc biệt, ngành Y tế tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính y tế, mở rộng quyền tự chủ về tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, đảm bảo cung ứng đủ về số lượng, an toàn về chất lượng thuốc, vắc xin, sinh phẩm và trang thiết bị y tế với giá cả hợp lý phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.
PV: Trong quản lý, điều hành công việc hiện nay, Bộ trưởng trăn trở nhất, tâm tư nhất về vấn đề gì?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Một trong những vấn đề mà tôi quan tâm và trăn trở nhất hiện nay là bảo đảm môi trường làm việc an ninh và an toàn cho người thầy thuốc. Năm 2017 vừa qua đã chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại số vụ hành hung cán bộ, nhân viên y tế.
Không chỉ thầy thuốc làm việc tại các bệnh viện, các trung tâm y tế lớn, mà các thầy thuốc làm việc tại trạm y tế xã, hay các đơn vị cấp cứu 115 cũng bị hành hung, bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, cũng như tinh thần làm việc, như: Bác sĩ bị bố bệnh nhân nhi đập cốc uống nước vào đầu tại Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất, Hà Nội (tháng 4/2017); 20 côn đồ khống chế bác sĩ, chém bệnh nhân tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (6/2017); bác sĩ bị đánh và bị bắt quỳ lạy tại Bệnh viện Thể thao Hà Nội; bác sĩ bị đập máy đo huyết áp vào đầu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Việt Yên, Bắc Giang (tháng 7/2017); bác sĩ bị chém đa chấn thương tại Trạm y tế xã Hương Long, Hà Tĩnh (tháng 9/2017); bác sĩ bị đánh rách mi mắt trái lẫn giác mạc tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới (Quảng Bình); bác sĩ của Trung tâm cấp cứu 115 Thái Bình bị đánh vỡ mũi (tháng 12/2017)…
Ngoài những vụ hành hung thân thể, các thầy thuốc còn phải chịu đựng cả những hành vi hành hung khác về mặt tinh thần như đe dọa, chửi rủa. Có một thực tế đáng buồn là đa số những kẻ hành hung thầy thuốc không phải là côn đồ, hay những đối tượng có tiền án, tiền sự, mà là những người dân bình thường, trong số đó có cả những cán bộ trong bộ máy nhà nước hay doanh nhân thành đạt.
Bộ Y tế ghi nhận sự vào cuộc tích cực của chính quyền và cơ quan chức năng ở nhiều địa phương như: Hà Nội, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thái Bình… đã nhanh chóng bắt giữ những kẻ hành hung thầy thuốc và xử lý nghiêm theo pháp luật.
Chúng tôi kêu gọi chính quyền các cấp tăng cường các biện pháp giáo dục người dân, chỉ đạo các cơ quan chức năng áp dụng những biện pháp cần thiết để bảo đảm cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế được hoạt động chữa bệnh cứu người trong môi trường an toàn, nhân văn và phi bạo lực.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Theo ĐCSO