Theo thống kê, hiện tỉnh Tiền Giang có khoảng 1.600 hecta nghêu, tập trung nhiều tại khu vực xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông. Qua khảo sát của chính quyền và ngành chức năng địa phương, hiện có khoảng 300 hecta nghêu bị thiệt hại, với tỷ lệ thiệt hại 20 – 30%; khoảng 200 hecta thiệt hại với tỷ lệ thiệt hại 50 – 60% và phần còn lại thiệt hại khoảng 10%. Kích cỡ nghêu chết từ 50 – 150 con/kg. Đến thời điểm này, có khoảng hơn 40% nghêu chết.
“Con nghêu này nếu không chết, có thể lãi đến 2-3 lần. Còn bây giờ ngư dân trắng tay. Nếu gió chướng mạnh thì nghêu chết, dân nghèo luôn”, Ông Nguyễn Văn Dũng, ngư dân ấp Cầu Muống, xã Tân Thành chia sẻ.
Bãi nghêu ven biển Gò Công đìu hiu do nghêu chết hàng loạt. Ảnh VOV
Trước tình hình nghêu chết hàng loạt, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tiền Giang đã tiến hành lấy mẫu nghêu và mẫu bùn, gửi Phân viện nghiên cứu thủy sản Nam Sông Hậu tại Cà Mau để xét nghiệm, tìm tác nhân gây bệnh. Kết quả xét nghiệm cho thấy, tất cả các mẫu nghêu đều không phát hiện sự hiện diện của ký sinh trùng Perkinsus sp. Tuy nhiên, mật độ vi khuẩn gây bệnh Vibrio parahaemolyticus trên các mẫu nghêu và bùn đều rất cao. Nhận định bước đầu của cơ quan chuyên môn, trong điều kiện nắng nóng kéo dài như hiện nay, kết hợp với sự tăng cao của mật độ vi khuẩn gây bệnh khả năng đây là một trong số tác nhân dẫn đến tình trạng nghêu chết.
Hiện Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiếp tục lấy mẫu, tăng cường để gửi mẫu xét nghiệm. Chính quyền và cơ quan chuyên môn khuyến cáo ngư dân cần theo dõi diễn biến tình hình, san thưa mật độ nghêu nuôi, vệ sinh bãi nuôi, thu gom xác nghêu chết để hạn chế ô nhiễm hữu cơ và nhằm giảm sự gia tăng mật độ vi khuẩn gây bệnh, tránh nguy cơ tác động xấu đến toàn vùng nuôi nghêu của huyện Gò Công Đông.
Khánh Linh (t/h)