Người dân tái định cư Than Uyên, Lai Châu khát nước sinh hoạt

22/04/2017 10:38
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Các điểm tái định cư thủy điện của huyện Than Uyên (Lai Châu) đều được đầu tư xây dựng hệ thống dẫn nước từ khe suối cao về cho bà con lấy nước sinh hoạt. Tuy nhiên, tại một số điểm tái định cư, công trình cấp nước mới đưa vào hoạt động đã hư hỏng, cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn.

(Moitruong.net.vn) – Khi lên thăm đất, thấy nước chảy tràn trề, người dân tái định cư tại bản Khì 1, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu rất yên tâm, nhưng về sử dụng được đúng một tuần thì hỏng, không thấy giọt nước nào nữa.

Một tuần đã hỏng

Bản Khì 1 có 51 hộ tái định cư từ xã Tà Hừa (Than Uyên) lên xã Phúc Than từ năm 2011. Người dân cho biết khi chính quyền mang xe chở đại diện các gia đình đi thăm đất, thấy có nước sinh hoạt đầy đủ thì mới đồng ý tái định cư. Về một tuần thì hệ thống bể cấp nước không có một giọt nước, đường ống khô trơ trọi.

Ông Lò Văn È, Trưởng bản Khì 1 than phiền: “Trước khi chuyển lên bản Khì 1, chúng tôi được lên thăm đất, thấy nước chảy tràn trề thì yên tâm lắm. Nhưng về sử dụng được đúng một tuần thì hỏng, không thấy giọt nước nào nữa. Chúng tôi đã kiến nghị lên xã, lên huyện, nhưng từ đó đến giờ vẫn không có sự tu sửa nào”.

Than Uyên

Nhiều bể nước tại các điểm tái định cư cạn khô nước

Theo Trưởng bản Khì 1, Lò Văn È, nhiều năm nay các hộ dân phải bỏ tiền để mua nguồn nước chảy từ trên núi xuống của người dân sở tại với mức giá từ một đến hai triệu đồng, ngoài ra còn phải góp tiền mua ống để dẫn nước từ nguồn về nhà. Ông È tính toán, cứ 1 km đường ống, người dân phải chi trả 10 triệu đồng, mà trung bình mỗi đường nước dài từ 2 – 2,7 km, tính ra phải chi từ 20 – 30 triệu cho một đường ống dẫn nước. “Ngày còn ở bản cũ, nước sông, nước suối chảy tràn, đâu có ai nghĩ một ngày phải đi mua từng giọt nước với giá cao như thế này đâu” – tiếng thở dài và cái lắc đầu ngao ngán của ông Lò Văn È cũng là nỗi niềm của rất nhiều hộ dân tái định cư.

Ông Lò Văn Na ở bản Khì cho biết: “Mùa khô, suối cạn nên không dẫn được nước về, người dân phải dùng can nhựa đi thồ rất xa về dùng. Mỗi lần mưa xuống, chúng tôi mừng vì có nước, nhưng đất đá sạt bị tắc, dân bản phải kéo nhau lên đầu nguồn thông rãnh mới có nước. Người dân chúng tôi mong chính quyền sớm khắc phục đường dẫn nước để có nước sinh hoạt, đời sống của dân trên điểm tái định cư bớt phần khó khăn”.

Qua kiểm tra tại các điểm tái định cư thủy điện trong vùng, công trình công cộng ở một số điểm chưa đảm bảo yêu cầu, đặc biệt là công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân kém chất lượng, không mang lại hiệu quả. Theo ông Hoàng Xuân Long, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Bắc
Chuyển lên khu tái định cư mới từ năm 2011, khoảng 90 hộ dân của bản Gia (xã Ta Gia) gặp không ít khó khăn trong trong sinh hoạt do không có nguồn nước hợp vệ sinh. Mùa mưa, các hộ gia đình phải bỏ tiền mua đường ống dẫn nước ở suối về dùng. Mùa khô không có nước, mọi người phải xuống sông Nậm Mu để tắm giặt và dùng can đựng nước chở về nhà dùng tằn tiện.

Trưởng bản Gia, ông Lò Văn Dụng cho biết: “Lên bản mới được mấy năm nhưng bà con rất khó khăn về nước sinh hoạt. Bản được đầu tư công trình cấp nước, nhưng do bể chứa nước đầu nguồn ở vị trí thấp hơn mặt bằng khu tái định cư nên nước về yếu. Các hộ gia đình trong bản phải tự bỏ tiền mua đường ống dẫn nước trên suối về. Để ổn định điểm mới tái định cư, bà con mong sao công trình cấp nước sớm đưa vào hoạt động”.

Theo trưởng bản Dụng, 10 hộ trong bản phải mất một đến ba cây số mét đường ống dẫn nước mới đủ đưa nước từ trên suối về để sinh hoạt. Nhiều hộ gia đình chưa có điều kiện mua ống dẫn nước thì lấy nhờ các hộ gia đình khác hoặc ra sông, suối lấy về. Gia đình anh Lò Văn Gòng đã bỏ ra hơn 1 triệu đồng để mua 400 m ống dẫn nước. Mỗi năm gia đình anh phải thay đường ống dẫn một lần, vì đặt ở vị trí xa nhà nên những người ngoài bản đi làm qua cắt, chọc thủng lấy nước uống.

“Người dân nhiều bản tái định cư khác trong xã cũng khó khăn về nước sinh hoạt, chứ không riêng gì bản Gia chúng tôi. Chính quyền cần quan tâm tới người dân tái định cư, để họ sớm ổn định đời sống”, ông Lò Văn Dụng chia sẻ.

Đầu tư phải hiệu quả

Khi chuyển tới các khu tái định cư, các công trình nước sạch được bàn giao đầy đủ, nhưng thường các công trình này chỉ sử dụng được chừng một vài năm, thậm chí cá biệt có những điểm chỉ sử dụng được một tháng, một tuần rồi hỏng, nằm im lìm phơi mưa, phơi nắng. Người dân rất vất vả, gian nan để có nước sinh hoạt hàng ngày.

Than Uyên1

Các hộ dân người Thái ở bản Gia, xã Ta Gia (Than Uyên) phải mua đường ống dẫn nước về sinh hoạt

Chính quyền tỉnh Lai Châu cho biết vì chạy theo tiến độ di dân được giao nên công trình dân sinh ở một số điểm tái định cư nhanh xuống cấp. Qua phản ánh, tỉnh sẽ cho kiểm tra và yêu sửa chữa để người dân có nước sinh hoạt. Tuy nhiên, trách nhiệm quản lý thuộc về người dân vận hành, bảo quản và khai thác…

Theo ông Lò Văn Xương, cách xây dựng công trình cấp nước cho các bản tái định cư hiện nay là không phù hợp với điều kiện của vùng núi. Bể nước lớn làm ở đầu suối, xa bản nên sau những đợt mưa to, đất đá sạt lở, vùi lấp đường dẫn nước vào bể chứa sẽ không có nước chảy về. Mặc dù, người dân đã nhiều lần khơi thông, dọn dẹp nhưng không hiệu quả. “Xung quanh các điểm tái định cư có hệ thống sông, nguồn nước dồi dào, Nhà nước xây dựng công trình lấy nước tập trung lên cao và dẫn ống về cấp cho người dân sinh hoạt sẽ bền vững và lâu dài. Như hiện nay xây dựng nhỏ lẻ cho từng bản không hiệu quả”, ông Lò Văn Xương chia sẻ.

Theo Báo Tin Tức


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người dân tái định cư Than Uyên, Lai Châu khát nước sinh hoạt