–
Đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, thời điểm giao mùa là khoảng thời gian đáng lo ngại nhất bởi đây là lúc trẻ dễ dàng mắc những chứng bệnh đường hô hấp.
Lúc này, hệ miễn dịch ở trẻ chưa thực sự hoàn thiện, sức đề kháng của trẻ còn yếu, các yếu tố thời tiết thuận lợi cho sự gia tăng virus, vi khuẩn làm sinh sôi mầm bệnh và tấn công trẻ nhỏ.
Lúc giao mùa, trẻ dễ gặp các bệnh về hô hấp
Đây chính là dịp mà trẻ nhỏ có cơ địa dị ứng thời tiết, đề kháng yếu dễ bị viêm đường hô hấp hoặc tái phát các bệnh đường hô hấp. Vì vậy, trong giai đoạn thời tiết giao mùa, có những căn bệnh đường hô hấp trẻ có thể sẽ mắc phải khi thời tiết giao mùa mà mẹ cần phải chú ý để phòng tránh như:
Viêm mũi – họng
Bệnh này rất hay gặp ở trẻ nhỏ và viêm mũi ở trẻ sơ sinh, trẻ có thể bị ho kéo dài vài ngày rồi mới thuyên giảm. Thời tiết giao mùa, nhiệt độ nóng – lạnh thất thường là lúc trẻ dễ bị mắc viêm mũi, họng nhất.
Trẻ bị bệnh này thường bắt đầu với những dấu hiệu như sốt và kèm theo bứt rứt, quấy khóc, kém ăn đôi khi còn bị nôn mửa, tiêu chảy kéo dài 2-3 ngày. Trẻ bị ngạt mũi kèm theo chảy nước mũi trong hoặc nhầy mủ, một số trẻ bị ho.
Ban đầu, nước mũi trong, dần chuyển sang đục, rồi có màu xanh vàng. Ngoài ra, trẻ sẽ bị đau họng, nuốt khó khăn, biếng ăn, ho khan, người sốt, cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, tay chân nhức mỏi. Nặng hơn thì xuất hiện triệu chứng nôn ói, tiêu chảy…
Viêm xoang cấp
Trẻ nhỏ thường rất dễ mắc viêm xoang cấp do tiến triển của bệnh viêm đường hô hấp trên, đặc biệt ở trẻ nhỏ, thường nằm và không biết xì mũi…
Nếu bạn thấy bé có những dấu hiệu sau: ngạt mũi, xổ mũi, hắt hơi nhiều, nước mũi ban đầu trong, chuyển sang trắng đục, đặc và có màu xanh hoặc vàng ngà, đau đầu, họng khô, nuốt khó, đau ở hốc mắt…, bạn hãy ngay lập tức đưa bé đi khám ở các cơ sở y tế hoặc các bệnh viện uy tín để các bác sĩ có thể điều trị kịp thời chứng bệnh viêm xoang cấp cho bé.
Viêm thanh quản và viêm thanh khí phế quản cấp
Đây được xem là biến chứng của chứng viêm mũi họng kéo dài. Trẻ bị khan tiếng, thở khò khè, khó thở, thỉnh thoảng rít lên như bị ho hen và lồng ngực bị lõm khi hít thở sâu, người mệt mỏi. Đây là bệnh khá ngủy hiểm và nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng nếu trẻ không được cấp cứu kịp thời.
Thời tiết giao mùa, nhiệt độ nóng – lạnh thất thường là lúc trẻ dễ bị mắc viêm mũi, họng nhất. (Ảnh minh họa)
Viêm phổi
Khi thời tiết thay đổi bé dễ bị viêm ho, chảy nước mũi, sốt, nếu bé bị nhẹ mà mẹ không chữa trị kịp thời để bé bị nhiễm lạnh, vi trùng lan xuống hô hấp dưới vào phế quản và phổi. Bệnh khởi phát nhanh đột ngột, với biểu hiện thường gặp là sốt, ớn lạnh, ho, thở khò khè, thở nhanh, khó thở. Với trẻ nhỏ, các dấu hiệu giúp chẩn đoán gồm sốt, tím tái, suy hô hấp.
Hen phế quản
Bệnh hen phế quản ở trẻ em là một bệnh lý mãn tính của đường hô hấp. Đây là tình trạng các tiểu phế quản bị hẹp do viêm mãn tính gây co thắt các cơ ở thành phế quản, làm sưng và phù lớp niêm mạc phế quản, đồng thời tiết nhiều chất nhầy trong lòng các phế quản gây khó thở. Khi giao mùa khiến nhiệt độ có sự chênh lệch lớn giữa ngày và đêm là thời điểm số trẻ nhập viện vì hen phế quản tăng đột biến.
Nguy hiểm hơn, chỉ với những triệu chứng thông thường như ho, viêm họng, sổ mũi…trẻ bị mặc hen phế quản hoàn toàn có thể tái phát bệnh nhanh chóng nếu cha mẹ không kịp thời xử lý những triệu chứng trên.
Một số cách phòng tránh các loại bệnh giao mùa:
– Giữ cho cơ thể khỏe mạnh bằng cách tăng cường vận động.
– Ăn đầy đủ chất và các nhóm dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng.
– Tiêm phòng vaccine cúm đầy đủ.
– Cần giữ gìn vệ sinh cá nhân, nhà ở thông thoáng, ít bụi bẩn.
– Che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi, nếu dùng tay che miệng thì nên rửa sạch với xà phòng, tránh khạc nhổ bừa bãi.
– Hạn chế thức ăn lạnh, giữ ấm cơ thể khi trời lạnh.
– Sử dụng đều đặn và đầy đủ đơn thuốc của bác sĩ đối với những bệnh mạn tính để tránh trường hợp bệnh tái phát nặng hơn.
Hà Thu (T/h)