Kết quả nghiên cứu của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) và Văn phòng Khí tượng Vương quốc Anh (Met Office) công bố ngày 9/5 cho thấy trong 5 năm tới, nhiệt độ toàn cầu có thể tăng 1,5 độ C do mức độ phát thải khí nhà kính cao kỷ lục.
Các nhà khoa học tại WMO và Met Office đã phân tích khoảng 120 dự báo khí hậu khác nhau để tính toán khả năng mức tăng nhiệt độ toàn cầu vượt ngưỡng 1,5 độ C và dự báo nhiệt độ toàn cầu có khả năng tăng trong giai đoạn từ 2022-2026.
Nhà nghiên cứu tại Met Office và là người đứng đầu nghiên cứu, Leon Hermanson, cho rằng, mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới mức 1,5 độ C đang trở nên khó khăn hơn.
Cuộc xung đột ở Ukraine cũng gây thêm trở ngại cho các nỗ lực hợp tác khí hậu khi một số quốc gia có kế hoạch sử dụng nhiều than đá hơn để thay thế nguồn cung cấp khí đốt của Nga.
Ảnh minh họa.
Ông cho biết, lượng khí thải toàn cầu đang gia tăng khi hoạt động kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19, với lượng khí thải carbon vào năm ngoái đạt mức cao nhất từng được ghi nhận.
Điều này khiến việc đạt được các mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, được 197 quốc gia thông qua vào năm 2015 nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C và tốt nhất dưới 1,5 độ C, càng trở nên khó khăn.
Tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26 ở Glasgow, Scotland vào tháng 11 năm ngoái, hơn 80% quốc gia nhất trí thông qua các mục tiêu phát thải ròng bằng 0.
Tuy nhiên, có rất ít hành động về chính sách để thực hiện các mục tiêu này kể từ sau hội nghị và việc đạt được các mục tiêu quốc gia hiện đạt rất ít tiến triển trước Hội nghị thượng đỉnh khí hậu tiếp theo tại Ai Cập vào cuối năm nay.
Các đợt sóng nhiệt nghiêm trọng, hỏa hoạn, hạn hán và lũ lụt là những tác động có khả năng xảy ra nhiều hơn khi Trái đất nóng lên.
Tổng thư ký WMO Petteri Taalas cho biết, mức tăng 1,5 độ C không phải là con số ngẫu nhiên mà là chỉ số về ngưỡng mà các tác động khí hậu sẽ gây hại cho con người và toàn bộ hành tinh.
Ánh Minh