(Moitruong.net.vn) – Lâu nay quán lề đường thường hay chỉ dành cho sinh viên và những người có thu nhập thấp vì nó vừa rẻ lại phù hợp với phong cách. Thế nhưng đến mùa World Cup thì không còn phần biết tầng lớp nữa, hễ thấy trong bụng “réo gọi” thì hú một tiếng, sẽ có người mang thức ăn đến cho mình ngay.
Những quán ăn lề đường rất “đắt hàng” trong mùa World Cup
Quán lề đường “lên hương”
Quán lề đường thường là những quán ăn lưu động được bày bán trên chiếc xe đẩy. Thông thường, các ông chủ, bà chủ thường chọn ở những lề đường trống làm “địa bàn hoạt động” để không ảnh hưởng đến người dân. Thế nhưng, vào mùa bóng đá, quán thường tập trung ở cạnh những quán cà phê có truyền hình trực tiếp World Cup, thậm chí họ còn “cập bến” ngay dưới lòng đường để mong bán được nhiều hơn. Quán thường bán hủ tíu, bánh canh, phở… hoặc có nơi “đóng quân” trước nhà mình để bán quán cơm tấm đêm.
Ngày thường những quán “bụi” chỉ lèo tèo thức ăn, nhưng vào mùa bóng đá, dường như tiên liệu trước mọi chuyện, các nhà cạnh quán cà phê chiếu bóng đá tự nhiên mọc lên quán ăn “ngang xương”. Vậy mà quán vẫn đắt như thường, nhiều khi không ngon cũng hết sạch bởi “thượng đế” ăn là vì đói. Khi ai đó trong quán muốn gọi một bát hủ tíu, chỉ việc nhờ người phục vụ gọi giùm và thoáng vài phút sau sẽ được ông chủ kiêm nhân viên bê vào tận nơi. Có điều ngộ nhất là thức ăn vừa trao cho khách cũng là lúc nhân viên bảo khách phải thanh toán tiền ngay, vì họ sợ sau khi dùng xong khách chuồn đi hoặc thua độ sạch túi không có tiền trả. Chắc chắn, sau mùa World Cup này, nhiều quán sẽ kiếm được khá khá, nhiều quán còn “lên hương”.
Được dịp “chém ngọt”
Nhân mùa World Cup, các ông chủ quán lề đường được dịp “chặt”, “chém” không nương tay. Bình thường một bát hủ tíu gõ chừng 10.000 đến 15.000 đồng thì trong mùa World Cup sẽ là 20.000 đến 25.000 đồng hoặc hơn thế nữa. Nếu có ai kêu ca, chủ quán chỉ việc nói: “World Cup mà! Tôi phải thức khuya thức hôm, mệt lắm chứ!”. Dù có phàn nàn, nhưng cuối cùng mọi người cũng phải ăn vì cái bụng và vì… World Cup. Không nạp năng lượng thì sao xem tiếp trận hai, trận ba. Từ những thực tế đó mà nhiều nơi quán lề đường “chém” cao hơn, nhất là trời càng về khuya. Anh không ăn thì anh đói, thế thôi!
Có những lúc trời đã bước sang 02 giờ sáng, khi đã kết thúc trận cầu, các fan hâm mộ túc cầu ùa ra quán, vây đặc bàn ghế khiến ông chủ quán phải chóng mặt. Khi được thông báo là còn nước lèo nhưng hết thịt, mọi người vẫn vô tư nói: “Ông cứ làm cho chúng tôi mỗi người một bát, có gì ăn nấy!”. Ông chủ khoái chí, nhanh tay trụng hủ tíu mà lòng tràn ngập niềm vui. Đương nhiên giá vẫn y như cũ, không giảm chút nào.
Có những quán cơm, thậm chí chỉ những miếng sườn heo be bé nằm trên đĩa cơm tấm chơ vơ, vậy mà giá lên đến 30 ngàn đồng! Thấy mà chóng mặt, vậy mà quán vẫn không đủ bán. Cái khôn là người chủ quán chọn nơi “lý tưởng” để bày biện quán ăn của mình, chứ nếu ở những nơi không gần quán cà phê thì cũng như không, có “chém nhẹ” cũng không ma nào thèm ăn. Đa phần fan hâm mộ bóng đá rất hào phóng trong việc này, nhất là những tay cá độ. Khi đã thắng một trận thì một bát hủ tíu “chém mạnh” cũng có đáng là bao, thậm chí họ còn “boa” thêm cho ông chủ tiền lẻ, khỏi phải mất công trả lại.
Để niềm đam mê đúng nghĩa
Do World Cup diễn ra chừng một tháng rồi sau đó mọi chuyện trở lại bình thường, nên nhiều người bảo rằng vung tiền vào phí ăn uống “bụi” bao nhiêu đó có sá gì. Biết là vậy, nhưng nếu làm một cuộc khảo sát thì có nghĩa những hệ lụy nó còn mất mát nhiều hơn cả tiền bạc. Từ việc bữa cơm gia đình lạnh nhạt chỉ vì chồng mải mê chạy theo “bóng hồng” World Cup, dần dần dẫn đến cơm không lành canh không ngọt, rồi sau đó những mâu thuẫn nội bộ diễn ra khốc liệt hơn.
Biết rằng yêu bóng đá không có tội nhưng quên mất gia đình, những bữa cơm sum họp là điều không nên. Chúng ta còn có gia đình, có công việc chính vì vậy hãy làm cho niềm đam mê của mình đúng nghĩa với những mặt tích cực. Cố gắng xem những trận trước 12 giờ, còn sau đó về nhà dùng cơm (dù muộn vẫn hơn không), sau đó đánh một giấc rồi sáng đi làm (hoặc có thể dậy sớm 5 giờ sáng xem một trận nữa). Nếu có thời gian có thể xem lại trận đêm qua từ tường thuật của báo, hoặc ti-vi (dù không hào hứng bằng nhưng cũng thỏa lòng đam mê). Đặc biệt cần lưu ý, ăn hàng quán thường trực cũng không tốt, vì những quán lề đường chưa chắc đã an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu chúng ta cứ “sa đà” vào nó nhiều quá thì coi chừng mắc bệnh đường ruột vì nhịn đói và vì không đảm bảo vệ sinh. Do vậy, ăn ở nhà vừa tiết kiệm lại hợp vệ sinh và ngon miệng hơn nhiều.
Đặng Trung Thành