Nông dân miền Tây đắng lòng vì “gừng cay, muối mặn”

12/01/2017 05:54
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

Chỉ còn hơn 10 ngày là đến Tết Nguyên đán Đinh Dậu, nhưng nông dân trồng gừng và sản xuất muối ở các tỉnh miền Tây đang “méo mặt” vì giá thu mua hai mặt hàng này khá thấp so với cùng kì những năm trước.

 “Cay xè” vụ gừng Tết

Theo nông dân trồng gừng tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long  (ĐBSCL), vụ gừng Tết năm nay rất “khó ăn” vì mùa mưa kết thúc trễ khiến cho gừng bị ảnh hưởng, vi khuẩn tấn công gây thối củ, năng suất giảm đáng kể. Với hy vọng “cứu” những diện tích gừng còn lại để bán Tết, người nông dân đã dồn hết tiền của, công sức mong gỡ gạc. Tuy nhiên đến thời điểm thu hoạch, giá gừng thương phẩm lại rớt thê thảm, chỉ còn từ 2.000 – 4.000 đồng/kg.

Với giá gừng thấp kỷ lục như hiện nay, nếu như người trồng thu hoạch thì sẽ không đủ tiền trả nhân công, còn “neo” gừng ngoài đồng chờ giá thì đối mặt rủi ro. Nhiều nông dân đối mặt với nỗi lo mất Tết.

Chị Bé Sáu (ngụ xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) cho biết: “Năm rồi thấy giá gừng thương phẩm cao, gừng giống lại rẻ nên gia đình tôi cải tạo đất, đầu tư trồng hơn 1ha gừng, với hy vọng sẽ “trúng mùa được giá” ổn định kinh tế gia đình trong dịp Tết đến xuân về. Nhưng do thời tiết, mưa dứt trễ nên gừng bị nhiễm bệnh nặng, cây bị héo rồi thối củ. Từ gần 40 tấn năm trước, nay chỉ còn khoảng 300kg. Cộng với giá gừng hiện tại thấp hơn tiền thuê nhân công nhổ củ nên gia đình tôi quyết định không thu hoạch. Tính sơ sơ vụ gừng này, gia đình tôi mất trắng 80 triệu đồng”.

Ghi nhận tại xã Trí Lực (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) vụ mùa năm 2016 toàn xã có khoảng 35ha diện tích trồng gừng. Song bà con nơi đây đang lo lắng bởi giá gừng loại tốt nhất cũng chỉ còn 3.000 đồng/kg. Nông dân Nguyễn Văn Nhật cho biết: “Với giá hiện tại, nông dân chỉ có thua lỗ. Một kg gừng chỉ có 3.000 đồng, nhưng công thuê nhổ lại hết 1.000 đồng/kg. Năm nay bán được 7 tấn gừng, nhưng lại thua lỗ đến 40 triệu đồng”.

Theo một thương lái thu mua gừng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang thì nguyên nhân giá gừng sụt giảm mạnh là do diện tích gieo trồng tại khắp các tỉnh tăng đột biến. Mặt khác, một số vựa thu mua chuyển sang nhập gừng từ Trung Quốc vì củ to, bóng mà không lấy gừng của nông dân.

Hàng chục ngàn tấn muối còn tồn đọng

ảnh muối

Hàng ngàn tấn muối còn tồn động khiến bà con nông dân làm muối lao đao 

Ghi nhận tại tỉnh Bến Tre, diêm dân nơi đây đã cải tạo ruộng đồng để bắt đầu cho mùa vụ mới nhưng hiện tại theo báo cáo của ngành nông nghiệp tỉnh này, lượng muối đang còn tồn đọng trên 60.000 tấn, vẫn chưa tìm được đầu ra. “Bỏ vụ thì tiếc, làm tiếp thì thua lỗ”, đó là nỗi lo lắng của người dân sản xuất muối tại tỉnh Bến Tre.

Ông Huỳnh Văn Nam (xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại) cho biết, với 8 công đất làm muối, vụ muối năm vừa rồi gia đình ông thu được gần 50 tấn muối, nhưng tính đến thời điểm hiện tại chỉ mới bán được 30%. Số muối còn lại vẫn đang nằm trơ trên đồng. “Năm nay, muối trúng lắm, nhưng giá lại thấp nhất, chỉ còn 9.000 – 10.000 đồng/dạ (1 dạ = 45kg). 70% muối còn lại, giờ thu hoạch đổ lên bờ trùm bạt để đó” – ông Nam buồn rầu nói.

Theo bà con sản xuất muối, nguồn tiêu thụ muối chính của họ vào thời điểm này là chỉ trông chờ vào mùa đánh bắt ruốc (moi) để bán cho chủ ghe làm mắm. Ngoài ra, một số ít được bán cho người nuôi tôm vào mùa mưa và các cơ sở sản xuất nước đá. Chính vì vậy, giá muối tại địa phương này duy trì ở mức thấp thời gian dài. Chấp nhận bán muối với giá thấp từ 300 – 400 đồng/kg, nhưng nông dân vẫn phải “trông đứng, trông ngồi” mà vẫn không có thương lái đến hỏi mua.

Ông Nguyễn Văn Tạo, Chánh Văn phòng Sở NN&PTNT Bến Tre cho biết, niên vụ muối năm 2015 – 2016, toàn tỉnh có 1.622 ha đất sản suất muối. Tập trung chủ yếu ở hai huyện Bình Đại và Ba Tri. Sản lượng đạt hơn 111.000 tấn, tăng khoảng 10% so với năm trước. Nhưng do đầu ra ngày càng khó khăn nên lượng muối ước còn tồn trên 50%.

Trước mắt, tỉnh đã thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tiến hành thu mua tạm trữ đợt 1 hơn 2.200 tấn muối, với giá 600 đồng/kg cho những hộ gia đình nghèo, khó khăn có điều kiện đón Tết và sẽ sớm triển khai kế hoạch thu mua tạm trữ đợt 2.

Theo CAND


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân miền Tây đắng lòng vì “gừng cay, muối mặn”