PGS.TS Vũ Sĩ Tuấn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục biển và Hải đảo Việt Nam: Khai thác phát triển kinh tế biển phải gắn với bảo vệ môi trường

04/09/2016 13:28
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

– Việt Nam là nước có bờ biển dài và vùng biển rộng, do vậy tiềm năng phát triển kinh tế biển ở nước ta là rất lớn. Việc làm sao tận dụng được thế mạnh của biển để phát triển kinh tế mới là điều đáng quan tâm. Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo ra đời là công cụ quan trọng để quản lý tổng hợp tài nguyên môi trường biển, khai thác một cách có hiệu quả, gắn khai thác sử dụng với bảo vệ tài nguyên môi trường. Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên của Tạp chí Môi trường và Cuộc sống đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Vũ Sĩ Tuấn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Untitled-12

MT&CS: Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được Quốc hội ban hành ngày 25/6/2015 và chính thức có hiệu lực ngày 01/7/2016, xin ông cho biết đánh giá khi Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo đi vào thực tiễn?

PGS.TS Vũ Sĩ Tuấn: Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được Quốc hội thông qua là hành lang pháp lý quan trọng để phát triển kinh tế và bảo vệ tài nguyên, môi trường biển. Luật được ban hành đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý biển, nhằm thực hiện chiến lược biển Việt Nam. 

Luật quy định về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo, gồm các nội dung chính đó là: Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển; chương trình khoa học công nghệ biển cấp quốc gia; xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát trên biển; xây dựng cơ sở dữ liệu về biển và hải đảo…

Các quy định của Luật TNMT biển là công cụ quan trọng để quản lý tổng hợp tài nguyên môi trường biển, khai thác một cách có hiệu quả, gắn khai thác sử dụng với bảo vệ tài nguyên môi trường.

Quản lí tổng hợp TNMT biển và hải đảo là một cách tiếp cận mới, là một phương pháp quản lý mà nền tảng của nó là điều phối các hoạt động khai thác sử dụng TNMT biển, từng bước khắc phục các xung đột, mâu thuẫn trong quản lý theo ngành. Hiện tại trong khai thác, sử dụng TNMT biển có rất nhiều luật chi phối, tuy nhiên, mỗi luật chi phối một ngành, một lĩnh vực. Điều này đã dẫn đến những bất cập trong công tác quản lý khai thác, sử dụng TNMT biển.

MT&CS: Địa hình nước ta có chiều dài bám biển dài và rộng, việc mua sắm các thiết bị thiết yếu phục vụ công tác quản lý tổng hợp và thống nhất biển và hải đảo như thế nào để góp phần phát triển kinh tế biển một cách thuận lợi và bền vững, thưa ông?

PGS.TS Vũ Sĩ Tuấn: Đúng vậy, Nước ta có đường biển dài 3.260 km và diện tích biển rộng lớn, vì vậy để quản lý tốt được biển, ngoài chiến lược, chính sách, luật pháp, quy hoạch, còn cần 3 yếu tố quan trọng khác nữa đó là con người, khoa học công nghệ và trang thiết bị. Hiện tại, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác quản lý nhà nước của Tổng cục dù được Chính phủ tất quan tâm, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn từ trụ sở, tàu nghiên cứu, điều tra khảo sát. Tổng cục có 2 tàu nhỏ đã quá cũ, viện nghiên cứu chưa có phòng thí nghiệm, việc điều tra khảo sát, nghiên cứu khoa học còn phải lệ thuộc rất nhiều vào tàu, trang thiết bị đi thuê ngoài.

Để đáp ứng nhu cầu về trang thiết bị phục vụ công tác quản lý, chúng tôi đang thực hiện một số dự án sau:

Dự án số 1 là “Tăng cường năng lực cơ sở vật chất kỹ thuật cho hệ thống quản lý tổng hợp và thống nhất tài nguyên – môi trường biển và hải đảo”, thực hiện (2016 – 2020), thiết bị gồm các nhóm: Trắc địa, địa vật lý, đo sâu hồi âm và phần mềm biên tập bản đồ, xử lý số liệu thủy âm; Nhóm thiết bị lấy mẫu, khí tượng hải văn và môi trường biển; Thiết bị ghi địa hình đáy biển và các thiết bị gia công phân tích và lưu trữ dữ liệu.

Dự án số 2 là mua sắm trang thiết bị điều tra, khảo sát hydrat, gồm các nhóm thiết bị: Khảo sát địa chấn, địa vật lý biển, thiết bị thủy âm và trắc địa biển, lấy mẫu tại biển sâu.

Dự án số 3 là xây dựng 5 trạm quan trắc ven biển. Hiện tại Tổng cục đã có 3 trạm quan trắc: Hải Phòng, Hà Tĩnh, Quảng Bình và đang triển khai 5 trạm mới tại miền Bắc có 2  trạm là: Thanh Hóa, Huế; miền Nam có 3 trạm là: Bình Thuận, Vũng Tàu, Trà Vinh.

Dự án số 4, đóng tàu phục vụ điều tra khảo sát: Ngoài 2 tàu nhỏ đã có trước khi thành lập Tổng cục, chúng tôi đang triển khai thực hiện dự án “đóng tàu nghiên cứu tài nguyên và môi trường biển”. Đây là tàu đa năng, được trang bị thiết bị tốt, có thể thực hiện điều tra khảo sát, nghiên cứu khoa học trên các vùng biển Việt Nam. Chúng tôi cũng đã trình dự án tăng cường trang thiết bị cho việc nghiên cứu Biển thuộc Tổng cục, nhằm tăng cường khả năng, tiềm lực cho công tác nghiên cứu của Tổng cục.

MT&CS: Bảo vệ môi trường biển, đảo hiện nay được nhân dân hết sức quan tâm, có nhiều đơn vị hoạt động sản xuất ven biển và khai thác nguồn lợi từ biển, đảo không đúng quy trình, quy định nên đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, theo ông vấn đề này cần khắc phục thế nào?

PGS.TS Vũ Sĩ Tuấn: Việt Nam là một quốc gia có bờ biển dài, có diện tích biển lớn hơn diện tích đất liền, đây là lợi thế rất lớn của chúng ta. Tuy nhiên, đối với các quốc gia mà nền kinh tế còn phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên thì giải quyết các vấn đề môi trường bao giờ cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát triển.

Việt Nam có hàng chục triệu dân sống ven biển với 15 khu kinh tế ven biển, rõ ràng vấn đề môi trường biển là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm. Trong những năm qua, ý thức tuân thủ các quy định về môi trường của các tổ chức và cá nhân ngày càng cao. Điều này thể hiện người Việt Nam chúng ta ngày càng coi trọng việc bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn có một số tổ chức, cá nhân không tuân thủ các quy định về môi trường trong quá trình sản xuất kinh doanh dẫn đến gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất và đời sống của nhân dân ven biển.

Để khắc phục tình trạng này, theo chúng tôi cần tập trung vào một số hoạt động sau đây:

Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường biển để mọi đối tượng hoạt động phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật; tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện pháp luật; Tăng cường sự phối kết hợp giữa các ngành, các cấp và địa phương, giải pháp này rất quan trọng vì một ngành, một cấp không thể đảm bảo việc thực thi pháp luật và bảo vệ môi trường; Tăng cường năng lực giám sát của địa phương, vì địa phương chính là nơi các hoạt động khai thác sử dụng biển được diễn ra;

Phát triển khoa học công nghệ, đầu tư trang thiết bị, tăng cường khả năng phòng ngừa, ứng phó với các sự cố môi trường; Nâng cao ý thức của người dân đối với bảo vệ môi trường, đây là giải pháp ít tốn kém và hiệu quả nhất.

MT&CS: Nhằm phát huy hơn nữa những thành quả đạt được trong quá trình thực thi trách nhiệm Nhà nước quản lý thống nhất biển, hải đảo Việt Nam, trong thời gian tới VASI có những hành động gì?

PGS.TS Vũ Sĩ Tuấn: Để tiếp tục phát huy hơn nữa những thành quả đạt được, và triển khai thực hiện Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo. Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam xác định các nhiệm vụ trọng tâm đó là: tập trung xây dựng, hoàn thiện và triển khai có hiệu quả hệ thống pháp luật, chiến lược, quy hoạch phục vụ quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo; tiếp tục kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo từ Trung ương tới địa phương.

Bên cạnh đó, Tổng cục cũng sẽ đầu tư nâng cấp trang thiết bị chuyên ngành; đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học nhằm nâng cao chất lượng điều tra, quan trắc, dự báo về TN&MT biển phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh; đổi mới, tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng công tác điều tra cơ bản biển và hải đảo; mở rộng điều tra tài nguyên, môi trường biển ở vùng biển sâu, biển xa, tại các hải đảo phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng; tập trung đánh giá tiềm năng và hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên tại vùng biển, hải đảo, bãi ngầm thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; hoạch định chính sách quản lý tổng hợp khai thác, sử dụng biển và hải đảo; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên môi trường biển, nhằm cung cấp thông tin dữ liệu cho các hoạch định chính sách, luật pháp về biển của Việt Nam và tăng cường công tác truyền thông về biển và hải đảo nhằm nâng cao ý thức của người dân về khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường biển.

MT&CS: Xin cảm ơn Ông!

(Theo Hùng Thắng  – TC Môi trường và Cuộc sống)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
PGS.TS Vũ Sĩ Tuấn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục biển và Hải đảo Việt Nam: Khai thác phát triển kinh tế biển phải gắn với bảo vệ môi trường
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.