MOITRUONG.NET.VN – Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, ông Mika Lintilä- Bộ trưởng Bộ Kinh tế Phần Lan đã dẫn đầu phái đoàn 20 doanh nghiệp (DN) Phần Lan chia sẻ những kinh nghiệm chuyên môn, giúp Việt Nam biến rác thải thành nguồn tài nguyên.
>>>Quảng Nam tìm phương án tiếp tục tích nước
>>>Đắk Nông: Rừng thông cổ thụ bị đốn ngay trước trạm kiểm lâm
Ông Saku Liuksia, Giám đốc Chương trình Xử lý rác thải thành năng lượng và năng lượng sinh học của Business Finland.
Trong khi rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp và nông nghiệp đã trở thành một vấn đề nhức nhối tại Việt Nam, nhiều quốc gia ở châu Âu, trong đó có Phần Lan lại xem đây là một nguồn tài nguyên quý báu đặc biệt trong ngành sản xuất điện.
Hiện nay, nhu cầu than nhập khẩu cho các nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam rất lớn và có xu hướng gia tăng, đạt khoảng 27,5 triệu tấn năm 2020 và tới 87 triệu tấn năm 2030. Dự kiến, nguồn năng lượng từ nhiệt than sẽ tăng lên 49,3% trong tổng sản lượng điện quốc gia vào năm 2020 so với mức 30,4% ba năm về trước và sẽ tăng lên 53,2% vào 2030 (theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh).
Các chuyên gia Phần Lan cũng cho rằng việc thắt chặt chính sách nhập khẩu phế liệu ở một vài quốc gia, trong đó có Trung Quốc đã vô tình khiến Việt Nam trở thành bãi đáp của hàng tấn phế liệu. Theo Cục Hàng Hải Việt Nam, tính đến tháng 5/2018 có gần 28.000 container chứa dây điện, thiết bị gia dụng, vải và xe hơi đã qua sử dụng đang bị “bỏ quên” tại các cảng biển trên khắp Việt Nam. Thay vì chiếm phần lớn không gian tại các cảng biển chính trên cả nước, các loại rác thải này có thể được biến đổi thành điện năng để phục vụ nhu cầu điện của các hộ gia đình cũng như các DN trong nước.
“Phần Lan luôn có các công ty hàng đầu trong lĩnh vực này, và chúng tôi luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn để có thể hỗ trợ Việt Nam giải quyết vấn đề trên”- ông Liuksia chia sẻ.
Bà Minna Vilkuna, đại diện của BMH cho biết hiện đang thảo luận các phương pháp khả thi để hỗ trợ Việt Nam giảm thiểu lượng rác thải thông qua việc biến đổi thành năng lượng sạch phục vụ cho lưới điện quốc gia.
Với những công nghệ và kinh nghiệm Phần Lan đang có sẵn, các doanh nghiệp Phần Lan nhìn nhận, Việt Nam có thể thừa kế và đi tắt đón đầu trong việc chuyển đổi rác thành năng lượng, vừa mang lại giá trị về kinh tế, vừa bảo vệ môi trường. Điều quan trọng cần làm là sớm kết thúc các chương trình đang thực hiện mang tính dài hạn, giảm thiểu chi phí đầu vào tại các nhà máy cũng như tạo động lực về kinh tế và pháp lý cho các doanh nghiệp.
Hướng Tâm (T/h)