(Moitruong.net.vn) – Thực hiện lời dạy thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 28/11/1959 về “Tết trồng cây”, cũng như hưởng ứng lời kêu gọi của Người “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Ngày 20/12/2017, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Chỉ thị số 10547/CT-BNN-TCLN về thực hiện “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Xuân Mậu Tuất năm 2018; chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng, chống chặt phá rừng trái pháp luật trong mùa khô 2017 – 2018.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với “Tết trồng cây” – nguồn Internet
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện một số nội dung sau:
Một là, chỉ đạo các địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch trồng cây, trồng rừng gắn với triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2018 theo Chương trình, mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 – 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 16/6/2017, trong đó tập trung:
Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, động viên các cấp, các ngành và Nhân dân tích cực tham gia “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp Nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, ý nghĩa của việc trồng cây, trồng rừng, công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, sinh thái, góp phần giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Việc tổ chức “Tết trồng cây” phải thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức; tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng. Thời điểm tổ chức “Tết trồng cây” đối với các tỉnh phía Bắc tiến hành vào đầu Xuân năm mới Mậu Tuất, đối với các tỉnh phía Nam tiến hành vào dịp kỷ niệm sinh nhật Bác, ngày 19/5.
Kiểm tra, quản lý chặt chẽ chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp, lựa chọn loài cây trồng phù hợp, chuẩn bị cây giống chất lượng tốt và tăng tỷ lệ sử dụng giống mô hom.
Sau khi thực hiện “Tết trồng cây”, các địa phương tổ chức kiểm tra đánh giá, rút kinh nghiệm, biểu dương khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân điển hình làm tốt; báo cáo kế hoạch tổ chức và kết quả thực hiện về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để theo dõi và phối hợp chỉ đạo.
Hai là, tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, chống chặt phá, khai thác rừng trái pháp luật trước, trong, sau dịp Tết Nguyên đán năm 2018 và trong suốt mùa khô 2017 – 2018; trong đó chú trọng một số nội dung sau:
Chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền cơ sở duy trì thường xuyên việc kiểm tra các địa bàn trọng điểm về phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật, xác định đường dây, “Đầu nậu” để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Kiên quyết xử lý những tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm, tiêu cực, bao che, tiếp tay cho các vi phạm.
Triển khai thực hiện quyết liệt phương án phòng cháy, chữa cháy rừng tại các địa phương, sẵn sàng chuẩn bị lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”, phù hợp với từng khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng, để chủ động kiểm soát tình hình, kịp thời khống chế nhanh nhất các trường hợp cháy rừng, kiên quyết không để xảy ra cháy lớn.
Chỉ đạo các lực lượng liên ngành (Kiểm lâm, Công an, Quân đội) thực hiện quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, có các phương án bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần, thường trực, sẵn sàng phối hợp các lực lượng ứng phó, xử lý các tình huống cấp bách trong bảo vệ rừng và khi cháy rừng xảy ra.
Thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm của Cục Kiểm lâm để kiểm tra, phát hiện sớm điểm cháy rừng. Báo cáo ngay khi phát hiện cháy rừng về Cục Kiểm lâm để phối hợp chỉ đạo và huy động lực lượng chữa cháy rừng trong trường hợp cần thiết.
Dương Đại Tiến (Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang)