– Năm 2016, mặc dù đạt được một số kết quả tích cực, nhưng công tác thanh, kiểm tra lĩnh vực tài nguyên và môi trường (TN-MT) vẫn chưa giải quyết được các vấn đề bức xúc của xã hội, chưa thực sự là công cụ sắc bén để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bước vào năm 2017, Bộ TN-MT vừa giao các đơn vị trực thuộc tổ chức thanh tra theo chuyên đề, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực “nóng” như đất đai, môi trường…
Khai thác khoáng sản là một trong những lĩnh vực sẽ được tăng cường thanh tra, kiểm tra và giám sát trong năm 2017.
Vẫn còn vụ việc gây bức xúc dư luận
Theo thống kê chưa đầy đủ, trung bình mỗi ngày khu vực nội thành Hà Nội thải ra khoảng 750 tấn chất thải rắn công nghiệp; trong đó khoảng 97-112 tấn/ngày là chất thải công nghiệp nguy hại. Tuy nhiên, công tác thu gom chất thải rắn công nghiệp mới đạt được khoảng 637-675 tấn/ngày, đạt 85-90%; xử lý được khoảng 382-405 tấn/ngày. Riêng chất thải công nghiệp nguy hại chỉ thu gom được khoảng 58-78,4 tấn/ngày, chiếm 60-70%.
Hiện trong nội đô vẫn tồn tại một số điểm ô nhiễm môi trường gây bức xúc. Như tại làng nghề Triều Khúc (huyện Thanh Trì), nước thải sinh hoạt và sản xuất trong khu dân cư chưa được thu gom và xử lý tập trung. Các hộ dân làm nghề tái chế nhựa, lông vũ vẫn xả thẳng chất thải ra đường cống chung. Rác thải sinh hoạt và sản xuất phát sinh trong ngày vẫn chưa được thu gom, vận chuyển đến nơi xử lý…
Theo Bộ TN-MT, nguyên nhân chính là do các vấn đề môi trường chưa được quan tâm đúng mức trong quy hoạch xây dựng đô thị. Nhiều quy định về bảo vệ môi trường còn chồng chéo và việc thực thi pháp luật chưa nghiêm. Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) cho biết, có tới 50% doanh nghiệp mắc lỗi thủ tục về bảo vệ môi trường; gần 30% doanh nghiệp xả thải vượt quy chuẩn cho phép. Trong số này, có những doanh nghiệp đầu tư công nghệ sản xuất, xử lý môi trường không bảo đảm, có doanh nghiệp cố tình xả thải trái phép ra môi trường.
Tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017, Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, năm qua toàn Ngành TN-MT đã tiến hành 1.816 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 6.411 tổ chức, cá nhân trên các lĩnh vực quản lý nhà nước. Qua đó đã xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 60,86 tỷ đồng; thu hồi hơn 5.348ha đất và 58,71 tỷ đồng. Những sai phạm chủ yếu được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra điển hình như: Không sử dụng đất được giao, chậm tiến độ thực hiện dự án, sử dụng đất không đúng mục đích, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất; không thực hiện đúng các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường; vi phạm về quản lý chất thải nguy hại; không có giấy phép khai thác sử dụng nước dưới đất, hoặc không có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước… Điển hình như sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung, sau khi thanh tra, kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện và yêu cầu Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh phải khắc phục hơn 50 sai phạm; đồng thời đơn vị này phải bồi thường thiệt hại cho nhân dân khu vực bị ảnh hưởng.
Tuy vậy, theo Bộ TN-MT, công tác thanh tra, kiểm tra vẫn chưa trở thành công cụ sắc bén để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, vẫn để xảy ra một số vụ việc gây bức xúc trong dư luận; vi phạm gây hậu quả lớn, việc khắc phục rất khó khăn, phức tạp. “Hạn chế này thể hiện rõ khi tình trạng ô nhiễm môi trường gia tăng. Nhiều khu, cụm công nghiệp chưa đầu tư xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường. Tình trạng bùng phát các điểm “nóng” gây ô nhiễm môi trường vẫn xảy ra ở nhiều địa phương…” – Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Thị Phương Hoa nhận định.
Từ ngày 1-1-2016 đến nay, Sở TN-MT Hà Nội đã triển khai 66 đoàn (trong đó: 41 đoàn thanh tra, kiểm tra về đất đai; 22 đoàn thanh tra về môi trường và tài nguyên nước, 3 đoàn thanh tra về lĩnh vực khoáng sản). Năm 2016, Sở đã báo cáo UBND thành phố ban hành 58 quyết định xử phạt theo thẩm quyền, với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng; 3 quyết định thu hồi 1.955,9m2 đất; đang lập hồ sơ, trình UBND thành phố thu hồi tiếp 101.000m2 trong thời gian tới.
Nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật
Tại hội nghị triển khai kế hoạch, nhiệm vụ năm 2017 của Bộ TN-MT vừa diễn ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu: Bộ TN-MT đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, bảo đảm không gây thất thoát, lãng phí trong sử dụng tài nguyên, qua đó kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm để nâng hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật; xử lý nghiêm, triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường; tiếp nhận và xử lý kịp thời các kiến nghị của người dân, doanh nghiệp không để xảy ra các điểm “nóng”, bức xúc trong xã hội.
Theo Bộ TN-MT, đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước về TN-MT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2017. Theo đó, 5 đơn vị trực thuộc gồm: Thanh tra bộ, Tổng cục Môi trường, Tổng cục Quản lý đất đai, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Cục Quản lý tài nguyên nước được giao tổ chức thanh tra, kiểm tra theo từng chuyên đề, tập trung vào các lĩnh vực “nóng” như đất đai, môi trường, khai thác khoáng sản… Trong đó, Thanh tra bộ sẽ thanh tra việc chấp hành pháp luật khí tượng thủy văn; thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước về TN-MT của các tỉnh Bắc Giang, Lào Cai, Phú Thọ, Bình Thuận, Ninh Thuận, Kon Tum và An Giang. Tổng cục Quản lý đất đai thanh tra việc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai của các cấp, trọng tâm là các thủ tục: Thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; cấp giấy chứng nhận đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân…
Đối với lĩnh vực môi trường, Bộ TN-MT yêu cầu tập trung thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (dệt nhuộm, hóa chất, luyện kim, giấy, bột giấy, tinh bột sắn, cao su, mía đường, xi mạ, thuộc da, nhiệt điện…); các cơ sở có nguồn thải lớn từ 200m3/ngày đêm trở lên (trừ các đối tượng đã được Bộ TN-MT thanh tra trong năm 2016)…
Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Việc thanh tra, kiểm tra, giám sát của các ngành, các cấp phải là công cụ sắc bén phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các sai phạm trong lĩnh vực TN-MT”. Bộ cũng đã có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực trọng tâm theo kế hoạch của Bộ.
Theo Hànộimới