>>> Klever Fruits bị “tố” bán hàng kém chất lượng
>>> “Khó khăn” nhân lực vận tải biển do lương thấp
Thời gian qua, nhiều diện tích trồng tiêu của người dân xã Bình Quế, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam đang xanh tốt bỗng nhiên vàng lá, khô héo rồi chết khô. Dù người dân đã tìm mọi cách cứu chữa nhưng tình trạng tiêu chết vẫn diễn ra. Trước phản ánh của bà con, chúng tôi đã về xã Bình Quế để tìm hiểu vấn đề.
Tại vườn tiêu 300 choái của gia đình ông Trương Công Hậu (46 tuổi, trú thôn Bình Phụng), tiêu chết không còn một gốc, đang phơi khô dưới cái nắng như thiêu như đốt. Ông Hậu dẫn chúng tôi đi khắp vườn chỉ từng gốc tiêu và buồn bã cho biết: “300 choái tiêu này được gia đình tôi trông trên 3 sào đất nó đã cho thu hoạch 1 năm rồi. Thế nhưng, từ năm 2018 đến nay, xuất hiện tình trạng bị vàng lá, khô héo rồi chết. Dù tôi đã tìm mọi cách mua thuốc về cứu chữa nhưng đành bất lực. Hiện nay tất cả đã chết khô, thiệt hại ít nhất là 300 triệu đồng”.
Ảnh minh họa
Cách vườn tiêu của gia đình ông Hậu không xa, là vườn tiêu của ông Nguyễn Tấn Quang cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Ông Quang cũng cho biết, như các hộ trồng tiêu khác, ông đã sử dụng nhiều loại thuốc để phun mong tiêu diệt côn trùng hay mầm mống gây bệnh cũng như đào xới chăm bón gốc tiêu nhưng không cách nào cứu nổi. Ông Quang cũng cho rằng, ở địa phương này nhiều người trồng tiêu cũng lâm hoàn cảnh tương tự.
Ông Đinh Văn Lực – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Quế cho biết: “Toàn xã có khoảng 700 hộ dân trồng choái tiêu trên diện tích hơn 10 ha. Thế nhưng, dịch bệnh kéo dài từ năm 2018 đến nay đã khiến cho hơn 1.500 choái tiêu của bà con bị chết làm người dân thua lỗ nặng”. Còn ông Đoàn Thanh Khiết – Trưởng Phòng NNPTNT huyện Thăng Bình cho biết: “Sau khi nhận thông tin về các vườn tiêu của bà con xã Bình Quế bị chết, chúng tôi phối hợp các cơ quan chức năng tỉnh đã đến thực tế các vườn tiêu của các hộ dân để kiểm tra xác định nguyên nhân. Về biện pháp khắc phục, chúng tôi đang cố gắng phân tích cho bà con xác định được từng loại bệnh để có hướng phòng trừ bệnh cho vườn tiêu”.
Thực tế cho dù đã tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc tiêu và người nông dân cũng đã tìm nhiều cách cứu vãn các vườn tiêu của mình. Thế nhưng tiêu vẫn cứ vàng lá, khô héo rồi chết khô, gây thiệt hại không nhỏ với người trồng. Ngành nông nghiệp Quảng Nam cần quyết liệt vào cuộc hơn nữa để giúp người nông dân.
Trước tình trạng nhiều vùng trồng tiêu lớn tại Quảng Nam như: Duy Xuyên, Tiên Phước, Thăng Bình… bị nấm độc tấn công khiến tiêu chết khô nhiều chuyên gia kinh tế khuyến cáo để ngăn chặn tình trạng này người dân cần chủ động vệ sinh vườn tiêu, tạo các lối thoát nước không để đất bị ẩm kéo dài khiến nấm có cơ hội phát triển. Ngoài ra, với các lớp đào tạo, truyền đạt kinh nghiệm trồng tiêu tại địa phương người dân cần tham gia để có thể kịp thời cập nhật những kiến thức chăm sóc, bảo vệ cây tiêu tốt nhất.
Thu Phương (T/h)