Quảng Trị quyết tâm thực hiện dự án Cảng hàng không

Minh Tâm|06/04/2021 10:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Dự án Cảng hàng không Quảng Trị được quy hoạch xây dựng tại xã Gio Quang và xã Gio Mai, huyện Gio Linh vừa có ý kiến của Chính phủ và các Bộ, ngành.

Theo đó, Chính phủ vừa có văn bản đồng ý giao UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu khả thi trình quyết định chủ trương đầu tư dự án Cảng Hàng không Quảng Trị theo hình thức đối tác công tư.

Đồng thời giao Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tàì chính và các Bộ, ngành, địa phương liên quan căn cứ định hướng quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn 2021 – 2030 định hướng đến 2050 để xác định thời điểm đầu tư Cảng Hàng Không Quảng Trị, đảm bảo hiệu quả, khả thi.

Trước đó, Bộ Giao thông vận tải có quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Quảng Trị giai đoạn đến năm 2030.

Phối cảnh sân bay Quảng Trị 

Dự kiến tổng vốn đầu tư Cảng hàng không Quảng Trị khoảng 8.000 tỷ đồng. Hiện, Tập đoàn T&T được UBND tỉnh Quảng Trị cho chủ trương khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không Quảng Trị để làm căn cứ cho UBND tỉnh trình các bộ liên quan và Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư theo hình thức PPP.

Dự án Cảng hàng không Quảng Trị là cảng nội địa có tính chất sử dụng chung dân sự và quân sự, có tổng diện tích hơn 316 ha. Cấp sân bay thuộc loại 4C theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và sân bay quân sự cấp II, có công suất 1 triệu hành khách/năm và 3.100 tấn hàng hóa/năm.

Theo quy hoạch, loại tàu bay khai thác là code C hoặc tương đương. Sân bay có năm vị trí đỗ tàu bay code C (có khả năng đỗ tàu bay code E). Hệ thống đường cất hạ cánh gồm một đường cất hạ cánh theo hướng 04-22; kích thước 2.400m x 45m, lề vật liệu mỗi bên rộng 7,5m. Hệ thống đường lăn gồm một đường lăn song song, chiều dài khoảng 711,5m.Các đường lăn có chiều rộng 23m, lề vật liệu đường lăn mỗi bên rộng 5m. Cùng với đó là hệ thống tự động cảnh báo xâm nhập đường cất hạ cánh (ARIWS), hệ thống giám sát đa điểm (MLAT), hệ thống ra đa thời tiết, hệ thống giám sát bề mặt đường cất hạ cánh, hệ thống thiết bị phát hiện và xua đuổi chim khi có nhu cầu.

Các công trình quản lý, điều hành bay gồm: đài kiểm soát không lưu; đài dẫn đường VOR/DME; hệ thống thiết bị hạ cánh, hệ thống đèn tiếp cận, hệ thống quan trắc khí tượng tự động AWOS đồng bộ với đường cất hạ cánh. Quy hoạch khu phục vụ mặt đất gồm có nhà ga hành khách 2 cao trình với tổng công suất thiết kế đạt 1 triệu hành khách/năm và nhà ga hàng hóa.

Quy hoạch giao thông gồm đường trục vào cảng mỗi bên rộng ba làn xe chạy, có giải phân cách giữa. Có cầu cạn, đường nội bộ, đường công vụ. Hệ thống sân đỗ ô-tô được xây dựng phía trước nhà ga hành khách có khả năng mở rộng đồng bộ với việc mở rộng nhà ga hành khách. Các công trình phụ trợ cảng hàng không gồm nhà điều hành Cảng hàng không, nhà làm việc của Cảng vụ hàng không, văn phòng các cơ quan Nhà nước, khu văn phòng làm việc các hãng hàng không.

Ngoài ra còn có trạm sửa chữa, bảo dưỡng và đăng kiểm xe cơ giới, khu cấp nhiên liệu, khu dịch vụ sửa chữa bảo dưỡng máy bay, trung tâm dịch vụ thương mại, khu hàng không chung, hệ thống cấp điện, nước, trạm trung chuyển chất thải rắn và chất thải nguy hại, hệ thống tường rào bảo vệ cảng…

Minh Tâm

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Trị quyết tâm thực hiện dự án Cảng hàng không