Quốc khánh 2/9/1945: Khát vọng hòa bình, độc lập dân tộc được khẳng định

(Theo Nguyễn Phương – TC Môi trường và Cuộc sống)|04/09/2016 14:16
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

(Moitruong.net.vn) – Quốc khánh mùng 2/9/1945 đã mở ra kỉ nguyên mới độc lập tự do cho đất nước Việt Nam. Một mốc son sáng chói trong lịch sử nước nhà.

Untitled1

Những ngày này, cả nước ta tưng bừng chào mừng ngày Quốc khánh 2/9. Cách đây 71 năm, trong mùa thu lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là ngày mà toàn thể dân tộc Việt Nam chính thức hòa bình, chính thức được các nước trên thế giới công nhận là một nước độc lập, dân chủ.

Ngày 2/9/1945 đã đi vào lịch sử là ngày độc lập dân tộc chấm dứt chế độ thực dân phong kiến, đồng thời mở ra kỉ nguyên mới, kỷ nguyên nhân dân ta làm chủ vận mệnh của mình để thực hiện độc lập tự do hạnh phúc.Tại quảng trường Ba Đình lịch sử 71 năm về trước, trước hơn 50 vạn nhân dân chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản tuyên ngôn độc lập tuyên bố với nhân dân Việt Nam và thế giới rằng: nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ra đời đồng thời là một nước độc lập, chủ quyền.

Từ đây lịch sử dân tộc Việt Nam sang trang mới, bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do. 71 năm trôi qua kể từ thời khắc lịch sử ấy, nước Việt Nam ngày càng phát triển và không ngừng nỗ lực khẳng định vị thế của một quốc gia độc lập, tự chủ trên trường quốc tế.

Ngày 2/9/1945 đi vào lịch sử như một dấu son chói lọi nhất trong hành trình mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Cho đến tận bây giờ, mốc son ấy vẫn để lại trong tôi và bao thế hệ trẻ khác những cảm xúc lạ kì. Bản Tuyên ngôn là văn bản pháp lý quan trọng đầu tiên khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khẳng định quyền tự do, độc lập của nhân dân Việt Nam trước toàn thế giới. Không chỉ vậy, Tuyên ngôn độc lập còn đặt cơ sở cho việc khẳng định thiết lập Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, với mục tiêu “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”, khơi nguồn sáng tạo và soi sáng con đường cách mạng Việt Nam hướng lên tầm cao mới trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 không những khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa, nhà nước độc lập đầu tiên trong hệ thống thuộc địa thế giới, mà còn báo hiệu sự thành lập một chế độ xã hội mới, chính quyền công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam châu á,  mở đầu kỷ nguyên độc lập, tự do của các dân tộc thuộc địa, bị áp bức, đóng góp cho sự nghiệp giải phóng nhân loại.

Sự phát triển vượt bậc của đất nước sau độc lập

Qua 71 năm đổi mới, đất nước ta đã giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa… Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Chính trị, xã hội ổn định, an ninh, quốc phòng được giữ vững.

Vai trò và vị thế của nước ta trên trường quốc tế ngày càng nâng cao. Đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, chế độ dân chủ trong xã hội ngày càng được phát huy, văn hóa xã hội không ngừng phát triển.

Từ một nước chậm phát triển trở thành nước có thu nhập trung bình; đang thực hiện có hiệu quả mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế…

Công cuộc đổi mới đã đáp ứng được những đòi hỏi bức thiết của tình hình nước ta, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại; có ý nghĩa như một cuộc cách mạng trong thời kỳ mới, một sự nghiệp thật sự sáng tạo của nhân dân ta; khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử. 

Việt Nam đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Mặc dù vẫn còn rất nhiều khó khăn thách thức nhưng đất nước ta đã có những bước tiến rõ rệt.

Quân và dân ta luôn phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đây là dịp để chúng ta nhìn lại những chặng đường đấu tranh cách mạng đầy hy sinh gian khổ nhưng hết sức vẻ vang với những chiến công oanh liệt của Đảng ta, nhân dân ta trong 71 năm qua, giáo dục thế hệ trẻ về chủ nghĩa yêu nước, ý chí bất khuất kiên cường, lòng tự hào về dân tộc Việt Nam anh hùng, tự hào về Đảng quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; tăng thêm niềm tin, nghị lực và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục vượt qua khó khăn, thử thách, giành được những thắng lợi mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.

Sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế – xã hội, tăng cường quốc phòng – an ninh, đối ngoại, hội nhập quốc tế đạt được những thành tựu quan trọng, sức mạnh tổng hợp và uy tín quốc tế của đất nước được tăng lên. Nền kinh tế có những bước  phát triển rõ rệt, nâng cao, luôn xây dựng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; mở rộng quan hệ đối ngoại, tích cực chủ động hội nhập quốc tế, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại để bảo vệ Tổ quốc.

Đảng và nhân dân Việt Nam phát huy vai trò và ý nghĩa của cách mạng tháng 8 năm 1945 để từ đó xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, lãnh đạo đủ năng lực và phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ. Xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động. Thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược (hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nhanh nguồn lực, nhất là nguồn lực chất lượng cao; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ), cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trước hết là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Chú trọng giải quyết tốt vấn đề cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, xử lý nợ xấu và bảo đảm an toàn nợ công.

Phát huy tinh thần của cách mạng tháng tám và quốc khánh mùng 2 tháng 9 chúng ta ngày nay luôn đẩy mạnh việc tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển nền kinh tế. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ. Phát triển văn hoá, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Quốc khánh mùng 2 tháng 9 trở thành dấu mốc không thể nào quên đối với mỗi người con đất Việt. Phát huy tinh thần đấu tranh vì đất nước vì nhân dân của các bậc cha ông đi trước chúng ta hãy cùng chung tay để bảo vệ môi trường thiên nhiên, xây dựng đất nước từng bước đưa đất nước sánh vai với các cường quốc trên thế giới.

(Theo Nguyễn Phương – TC Môi trường và Cuộc sống)

   

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Quốc khánh 2/9/1945: Khát vọng hòa bình, độc lập dân tộc được khẳng định
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.