Thêm một đoạn đường vừa rơi xuống sông. Theo người dân địa phương, tuy đợt sạt lần này quy mô không lớn, chỉ một đoạn đường vài mét bị rơi xuống sông, nhưng nỗi lo lắng của bà con lại không nhỏ. Nguyên nhân là do hiện phần mặt đường còn lại ở đây đang rất ít.
Sạt
lở quốc lộ 91 nguy cơ còn tiếp tục xảy ra
Cụ thể, chiều tối 2-1, người dân trong khu vực sạt lở ấp Bình Tân đã phát hiện ngay khu sạt lở xuất hiện thêm mảng nức mở rộng với chiều dài 5m, ngang 1,5m và mảng nức thứ hai dài khoảng 15m, ngang khoảng 2m tiếp nối phía trong. Và cho đến 2 giờ sáng nay, 3-1, mảng nứt thứ nhất đã sạt lở xuống sông Hậu.
Nhận được tin báo của người dân, UBND huyện và xã đã đến khảo sát hiện trường, đồng thời vận động đi dời các hộ dân trong khu vực không ngủ lại trong nhà, cử lực lượng công an, quân sự của huyện và xã túc trực đề phòng sự cố. Hiện nay, tình hình sạt lở không có dấu hiệu mở rộng thêm ra, Huyện ủy Châu Phú đã phân công Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Bé Tám trực tiếp chỉ đạo điều hành và theo dõi vụ sạt lở.
Trước đó, ngày 27-7-2019, đã xuất hiện vết rạn nứt trên quốc lộ 91 đoạn qua ấp Bình Tân với chiều dài khoảng 30m, UBND huyện Châu Phú đã nhanh chóng di dời các hộ dân trong vùng sạt lở. Tối 31-7 và rạng sáng ngày 1-8, một đoạn Quốc lộ 91 dài hơn 85m đã bị kéo ụp xuống sông Hậu, nhờ sự chủ động trước đó của chính quyền và người dân nên vụ sạt lở không gây thiệt hại về người và tài sản.
Ngay sau đó, UBND tỉnh đã phê duyệt kinh phí hơn 24 tỷ đồng khắc phục sự cố sạt lở quốc lộ 91, bằng cách thả bao cát nhằm ổn định đường bờ, gia cố mái ta luy. Đây là công trình do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư, lúc thi công công trình được 90% thì ngày 18-8, số bao cát đã thả xuống trước đó cao hơn mặt nước sông Hậu khoảng 1m bị trượt hết xuống sông hoàn toàn, rất may, lúc này các nhân công đang nghỉ ngơi nên không ai bị thương vong. Trước tình thế này, huyện phải vận động 11 hộ dân trong vùng nguy hiểm tạm thời di dời đến ở tạm nhà người quen khu vực an toàn. Từ đó đến nay công trình này vẫn chưa khắc phục xong và nay tiếp tục sạt lở.
Nhiều nhà khoa học cho rằng, nguyên nhân chính gây nên tình trạng sạt lở ở ĐBSCL hiện nay là do thiếu cát và thiếu phù sa. Do đó, các địa phương cần có biện pháp ứng xử với sạt lở đa dạng và linh hoạt hơn.
Minh Thư (T/h)