Một số nội dung trong quy định hiện hành không còn phù hợp
Theo GS.TS Nguyễn Quý Thanh, hiện nay, các chuẩn đánh giá chất lượng của Việt Nam gồm 10 tiêu chuẩn và 61 tiêu chí. Trước đó, đã có một bộ gồm 10 tiêu chuẩn và 53 tiêu chí ban hành năm 2004. Bộ tiêu chuẩn đó đã được áp dụng cho 20 trường đầu tiên thực hiện đánh giá ngoài trong trường ĐH. Sau 1 thời gian thực hiện, năm 2007, Bộ GD&ĐT đã có điều chỉnh và bộ tiêu chí thành 61 tiêu chí và 10 tiêu chuẩn như hiện nay (năm 2012 có thêm một điều chỉnh nhỏ.
GS.TS Nguyễn Quý Thanh cho rằng, xét về nội dung, bộ tiêu chuẩn hiện hành cũng đã bao trùm khá nhiều nội dung hoạt động của trường ĐH, bao gồm hình thức quản lý, chương trình đào tạo, tổ chức đào tạo, đội ngũ cán bộ, người học, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, cơ sở vật chất, tài chính… Tuy nhiên, giáo dục liên tục thay đổi, các chức năng của trường ĐH cũng có biến đổi.
“Chúng ta nói nhiều đến giáo dục ĐH 1.0, 2.0, 3.0 và gần đây là 4.0. Nếu nhìn về nội hàm của các mô hình đại học 2.0, 3.0, có nhiều yêu cầu và chức năng mới của giáo dục ĐH. Trong đó có những chức năng được nhấn mạnh nhiều hơn mà trước đây mô hình giáo dục ĐH cũ chưa được đề cập đến. Phù hợp với xu thế biến đổi như vậy thì việc bổ sung những yêu cầu mới đối với kiểm định giáo dục ĐH là cần thiết” – GS.TS Nguyễn Quý Thanh nhấn mạnh.
Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cũng nhắc đến việc bộ tiêu chuẩn hiện hành hướng nhiều theo cách tiếp cận quản trị chất lượng, quản trị theo quy định. Điều này rất cần thiết với giai đoạn đầu phát triển của giáo dục. Nhưng xu thế quản trị, khi dần đạt được văn hóa chất lượng, các trường ĐH có ý thức tốt hơn trong xây dựng văn hóa chất lượng, việc áp đặt như vậy không đem lại hiệu quả bằng quản trị theo nguyên lý và nguyên tắc. Vì vậy, những mô hình quản trị mới đi theo hướng quản trị theo nguyên lý và nguyên tắc sẽ tốt hơn, phù hợp hơn.
Tiếp nữa, theo GS.TS Nguyễn Quý Thanh, bộ tiêu chuẩn hiện hành chưa bao quát đầy đủ những chức năng vốn có của trường ĐH là kết nối và phục vụ cộng đồng. Nội dung này được đề cập đầy đủ hơn trong dự thảo quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học Bộ GD&ĐT đang công bố xin ý kiến rộng rãi. Thêm đó, bản chất các tiêu chuẩn đánh giá phù hợp với từng giai đoạn nhất định nên việc thay đổi cũng khá thường xuyên ở các cơ quan kiểm định ở nước ngoài.
“Như ở Hoa Kỳ, mỗi năm họ thay đổi nhỏ 1 lần và 5 năm họ thay đổi lớn 1 lần” – GS Nguyễn Quý Thanh nêu ví dụ”.
Trường ĐH Giao thông Vận tải (Hà Nội) là một trong 2 đơn vị đầu tiên của cả nước được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục cấp trường. PGS.TS Nguyễn Văn Long, Chủ tịch Hội đồng trường này khẳng định sự thay đổi bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục đại học là tất yếu để bắt kịp xu thế của xã hội.
“Chúng tôi thấy, bộ tiêu chuẩn hiện hành có 1 số tiêu chí, nội dung tương đối lạc hậu so với thực tế. Ví dụ nội dung niên chế chẳng hạn, vì chúng ta đã chuyển sang tín chỉ từ lâu; hoặc một số hoạt động đoàn thể chiếm tương đối khâu đánh giá. Nếu thêm khâu đó vào đương nhiên phải cắt phần khác đi thì hàm lượng đánh giá sẽ không chuẩn nữa.
Trong quá trình tự đánh giá, chúng tôi cũng thấy, một số yếu tố, nội dung hiện tại rất “nóng” với nhà trường, cần phải đưa vào thì lại không có kiểm định. Nhà trường có những mặt rất mạnh, nhưng trong kiểm định lại chưa đề cập đến việc đó, cũng không phản ánh được đầy đủ chất lượng.
Bộ GD&ĐT đã đưa ra dự thảo thông tư mới. Tôi thấy rằng, dự thảo này tương đối lấp được khoảng trống trong bộ tiêu chuẩn hiện hành” – PGS.TS Nguyễn Văn Long chia sẻ.
Cơ chế giúp cả xã hội giám sát các trường ĐH
Thực hiện chủ trương đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục theo hướng tiếp cận với khu vực và quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT đã dự thảo Thông tư ban hành quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học.
Điểm mới của Thông tư này là quy định cả về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục và quy trình, chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục; bộ tiêu chuẩn đánh giá này được xây dựng dựa trên bộ tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục do Mạng lưới các trường đại học ASEAN (AUN-QA) mới ban hành tháng 7/2016.
Theo PGS.TS Nguyễn Phương Nga – Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục – Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, bộ tiêu chuẩn của Asean nói trên lại hội nhập, giao thoa khá lớn với bộ tiêu chuẩn của Châu Âu và Bắc Mỹ. Vì thế, bộ tiêu chuẩn theo dự thảo giúp đưa giáo dục ĐH Việt Nam hòa nhập với khối Asean cũng như Châu Âu, Bắc Mỹ.
Ông Mai Văn Trinh khẳng định: Bộ công cụ mới đang dự thảo đề cập rất toàn diện đến các hoạt động của nhà trường. Nhiệm vụ trọng tâm của một cơ sở giáo dục đại học trước đây là đào tạo và nghiên cứu. Nhưng trong bộ công cụ theo dự thảo đặt rất mạnh một điểm nữa là phục vụ cộng đồng. Đó là sự hài lòng của các bên liên quan đối với cơ sở giáo dục đại học. Đây cũng thể hiện sự giám sát xã hội với cơ sở giáo dục ĐH. Để làm được điều đó, bản thân cơ sở giáo dục ĐH phải có sự chuyển đổi, với sự đầu tư phát triển về các điều kiện đảm bảo chất lượng.
Đặc biệt, bộ công cụ mới nhấn mạnh đến tính hệ thống của đảm bảo chất lượng. Cụ thể, hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong các nhà trường phải vận hành như thế nào để các điều kiện đảm bảo chất lượng khác phát huy hiệu quả, từng bước hình thành văn hóa chất lượng trong nhà trường.