(Moitruong.net.vn) – UBND huyện Phúc Thọ đã báo cáo diễn biến và hiện trạng sạt lở kè Xuân Phú tại xã Xuân Phú ứng vị trí từ K2+550 đến K2+ 590 tuyến đê Vân Cốc.
Được sự quan tâm của UBND TP Hà Nội, tuyến đê Vân Cốc đã được nâng cấp lên cấp đảm bảo chống lũ. Song song với tuyến đê là hệ thống các tuyến kè Cẩm Đình, Xuân Phú và kè Vân Phúc. Kè Xuân Phú, từ K2+300 đến K3+000 dài 700m được xây dựng năm 1998 – 1999 bằng phương pháp thả bao tải đất hộ chân và rồng thép lõi đá và rồng vải lọc bọc cát. Đoạn kè này đã được tu bổ hộ chân bằng lăng thể đá năm 2010, hiện nay nhiều vị trí kè đã có hiện tượng sạt, sụt, không ổn định.
Hiện vị trí sạt lở cơ kè tương ứng K2+550 đến K2+590 tuyến đê Vân Cốc (nối tiếp về phía thượng lưu cung sạt từ K2+590 đến K2+700 xuất hiện từ tháng 9 năm 2015). Kích thước cung sạt dài 40m, ăn vào mái cơ kè trung bình từ 3 đến 4m, vách sạt cao trung bình 4m. Ngoài ra, xuất hiện nhiều vết nứt lớp cát bồi trên mặt cơ kè: Vết nứt rộng khoảng 20cm, tổng chiều dài khoảng 190m, kéo dài từ K2+400 đến K2+590. Các vết nứt này tiềm ẩn nguy cơ sạt trượt tiếp.
Đoạn kè tương ứng vị trí từ K2+050 đến K2+200 đê Vân Cốc ngày 2/11/2016 đã xuất hiện hiện tượng sạt mái cơ kè kích thước cung sạt dài 150m, rộng ăn vào mái cơ kè trung bình từ từ 1 đến 1,5m, vách sạt cao trung bình 1m. Nguyên nhân sạt lở: Theo đánh giá sơ bộ do mực nước sông Hồng dao động lên xuống nhanh (do xả nước phục vụ tưới vụ xuân) kết hợp dòng chảy áp sát bờ hữu gây ra hiện tượng sạt nêu trên.
Trước hiện tượng sạt lở kè Xuân Phú từ K2+400 đến K2+700 diễn biến phức tạp, khó lường và ngày càng gia tăng với mức độ nguy hiểm nghiêm trọng, tác động đến sản xuất nông nghiệp, nguy cơ ảnh hưởng đến công trình đê điều, UBND huyện Phúc Thọ đề xuất UBND thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, sớm có giải pháp khắc phục sự cố sạt lở trên.
Theo HNP