– Vừa qua, Đoàn giám sát của Quốc hội đã làm việc với UBND TP Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011 – 2016 do Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm Trưởng đoàn.
Cùng dự buổi làm việc còn có Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội cho thấy, thời gian qua, Hà Nội đã tích cực, chủ động triển khai quyết liệt các giải pháp, hoạt động, đặc biệt gắn trách nhiệm của người đứng đầu địa phương cũng như sở, ngành trong công tác bảo đảm an ATTP. Trong giai đoạn 2011-2016, Hà Nội đã kiểm tra hơn 824,2 nghìn cơ sở, phạt tiền hơn 18,5 nghìn cơ sở với tổng số tiền phạt trên 92 tỷ đồng; tiêu hủy thực phẩm không bảo đảm chất lượng trị giá gần 48 tỷ đồng. Ngoài ra, lực lượng thanh tra chuyên ngành xử lý vi phạm 786/3.536 cơ sở, trong đó có 371 cơ sở bị phạt tiền với tổng số tiền hơn 1,1 tỷ đồng. Tuy nhiên việc kiểm soát và bảo đảm ATTP vẫn còn là thách thức lớn với một TP đông dân như Hà Nội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại cuộc làm việc.
Hầu hết các đoàn kiểm tra và đại biểu cho rằng, các điểm kiểm tra, giám sát tại các vùng trồng rau, chăn nuôi gia súc gia cầm về cơ bản đã sản xuất theo qui trình VietGAP tuy nhiên vẫn còn manh mún, chưa mang tính tập trung cao. Việc buôn bán thực phẩm tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh còn ngổn ngang, chồng chéo và mất an toàn vệ sinh; chưa có sự rõ ràng trong quản lý chợ khi phân khu bán thực phẩm rau, thịt… tràn lan.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại cuộc làm việc.
Qua ý kiến của các đại biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, việc thực hiện pháp luật về ATTP của Hà Nội đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Đặc biệt, công tác tuyên truyền, giáo dục cho Nhân dân, công tác thanh, kiểm tra được tăng cường thường xuyên và có nhiều mô hình tốt về ATTP. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý những yếu kém, hạn chế trong việc quản lý ATTP của Hà Nội. Do lực lượng quản lý ATTP còn mỏng nên đây là một thách thức lớn đối với Hà Nội. Ngoài việc kiểm soát nguồn thực phẩm do Hà Nội sản xuất thì Hà Nội còn phải kiểm tra, giám sát nguồn thực phẩm từ các tỉnh, thành chuyển đến. Nhiều cơ sở nhỏ lẻ, những cơ sở sản xuất qua kiểm tra vẫn chưa kiểm soát chặt được đầu vào như thức ăn, giống vật nuôi…
Điều đó có thể thấy vấn đề ATTP của Hà Nội đã đến giới hạn đỏ. Chính vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển hy vọng Hà Nội sớm có giải pháp tích cực để trở thành một thành phố an toàn, đáp ứng được nhu cầu của Nhân dân. Để thực hiện được, chúng ta phải cùng nhau thực hiện từ T.Ư đến địa phương và cả người dân để được sống trong môi trường xanh-sạch- an toàn.
Tiếp thu toàn bộ ý kiến của đoàn giám sát Quốc hội và các đại biểu tham dự, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trân trọng cảm ơn các ý kiến đóng góp và cho biết thành phố đã có quy hoạch về giết mổ gia súc gia cầm cũng như quy hoạch mở rộng các vùng rau an toàn, quản lý chợ… “Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện các kế hoạch đề ra và siết chặt vấn đề quản lý ATTP để đời sống Nhân dân luôn được bảo đảm và an toàn”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh.
TH