(Moitruong.net.vn) – Gần 780.000ha đất bị thoái hóa, UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành Quyết định 3155/QĐ-UBND phê duyệt kết quả Điều tra thoái hóa đất lần đầu trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Diện tích đất nông nghiệp bị thoái hóa chiếm hơn 71%

Tổng diện tích điều tra thoái hóa đất kỳ đầu trên địa bàn tỉnh là 1.264.068ha. Kết quả, tổng diện tích đất bị thoái hóa là 777.688ha, chiếm 61,52% tổng diện tích điều tra. Diện tích đất thoái hóa nặng là 409.750ha, chiếm 52,69% diện tích đất bị thoái hóa, tập trung nhiều ở các huyện Sông Mã (gần 65.000ha), Sốp Cộp (hơn 62.000ha), Bắc Yên (hơn 52.000ha), Mai Sơn (hơn 40.000ha)…

Thoái hóa trung bình là 196.709ha, chiếm 25,29%, tập trung tại huyện Thuận Châu (hơn 25.000ha), Yên Châu (hơn 15.000ha), Mộc Châu (hơn 18.000ha), Phù Yên (hơn 44.000ha), Mường La (hơn 29.000ha)… Thoái hóa nhẹ là 171.229ha, chiếm 22,02% diện tích đất bị thoái hóa.

Phân theo loại đất, diện tích đất nông nghiệp bị thoái hóa chiếm hơn 71% diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh. Đất lâm nghiệp bị thoái hóa là 204.915/643.766ha đất lâm nghiệp, chiếm 315 diện tích đất lâm nghiệp của tỉnh. Diện tích đất chưa sử dụng có tới 312.292ha/334.769ha bị thoái hóa, chiếm tới 935 diện tích đất chưa sử dụng của tỉnh.

Phân theo loại hình thoái hóa, tổng diện tích đất bị xói mòn là hơn 719.000ha; đất bị suy giảm độ phì hơn 516.000ha; đất bị khô hạn hơn 777.00ha diện tích điều tra.

Nguyên nhân gây ra thoái hóa đất là do ảnh hưởng của khí hậu khắc nghiệt và biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của định hình làm gia tăng tình trạng khô hạn kéo dài, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Bên cạnh đó, một phần nguyên nhân chính là do quá trình sử dụng đất của con người. Tình trạng lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép trên địa bàn tỉnh còn xảy ra; hiệu quả sử dụng đất, rừng tại các công ty lâm nghiệp còn thấp, tình trạng để hoang hóa, việc người dân tự ý vén đất rừng để trồng cây hàng năm vẫn còn.

Cùng với đó, việc tăng cường sử dụng phân bón hóa học, thuốc kích thích sinh trưởng và thuốc bảo vệ thực vật đã làm gia tăng mức độ suy giảm độ phì nhiêu ở các vùng thấp; việc trồng cây hàng năm trên các khu vực dốc, đốt nương làm rẫy dẫn đến xói mòn, rửa trôi, sạt lở đất làm suy thoái hóa học, mất chất dinh dưỡng của đất. Nhiều khu rừng do bị khai thác kiệt quệ và chuyển sang làm nương rẫy, ảnh hưởng tới sự đa dạng sinh học, suy thoái môi trường. Do tăng trưởng kinh tế và gia tăng dân số đã từng bước làm giảm tính đa dạng sinh học, giảm diện tích đất rừng.

Trong thời gian tới, để giảm thiểu thoái hóa đất, tỉnh Sơn La tập trung tăng cường quản lý nhà nước về đất đai; tăng cường điều tra cơ bản về đất đai phục vụ quản lý, sử dụng đất bền vững. Trồng cây ăn quả trên đất dốc, hạn chế phát rừng làm nương rẫy, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phát triển các mô hình nông, lâm kết hợp; đẩy mạnh khoanh nuôi, tái sinh và trồng mới rừng trên các khu vực có độ dốc cao.

UBND tỉnh Sơn La cũng giao UBND các huyện ,thành phố, các sở, ngành có liên quan căn cứ kết quả số liệu thoái hóa đất trên để đề ra các biện pháp, phương án quản lý, khai thác, sử dụng đất đúng quy định, đảm bảo hiệu quả, hợp lý, bền vững, giảm thiểu tối đa thoái hóa đất trên địa bàn.

Theo Monre


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Sơn La: Gần 780.000ha đất bị thoái hóa
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.