Sự ra đời của Hội Nhà báo Việt Nam

Hà Anh|20/04/2020 04:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Hội Nhà báo Việt Nam được thành lập ngày 21/4/1950 tại chiến khu Việt Bắc, theo chủ trương của Thường vụ T.Ư Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Vào đầu thế kỷ XX, hoạt động báo chí ở Việt Nam đã khá sôi nổi, nhưng dưới chế độ thống trị của Pháp, những người làm báo không có tổ chức nghề nghiệp. Trong thời kỳ những người cộng sản nước ta được chính quyền của Mặt trận Nhân dân Pháp cho phép xuất bản báo chí công khai (1936-1939), Xứ ủy Bắc Kỳ chủ trương mở cuộc vận động thành lập Hội Nhà báo Dân chủ. Đồng chí Võ Nguyên Giáp được chỉ định nhân danh báo tiếng Pháp của ta – tờ Le Rassémblement (Tập hợp) – đứng ra thực hiện cuộc vận động. Tuy nhiên, do sự phá hoại của bọn mật thám, chủ trương này đã không thực hiện được.

Ngay sau Cách mạng tháng Tám, hàng loạt cơ quan, tổ chức báo chí ( công báo, đài tiếng nói quốc gia, thông tấn xã…) được thành lập. Ngày 27/12/1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho thành lập Đoàn Báo chí Việt Nam.

Trường Huỳnh Thúc Kháng – Trường đầu tiên đào tạo cán bộ viết báo. Ảnh tư liệu

Công việc chuẩn bị để lập ra một Hội nhà báo chính thức đang được đẩy mạnh thì chiến tranh xảy ra bởi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược. Đội ngũ nhà báo Việt Nam đã đông đảo hơn, phần lớn đi tham gia kháng chiến và Đoàn Báo chí Việt Nam được đổi tên thành Đoàn Báo chí Kháng chiến Việt Nam. Báo chí Cách mạng được bổ sung lực lượng và phương tiện mới; hệ thống thông tin – báo chí đa dạng hình thành. Việt Bắc trở thành một cái nôi của báo chí kháng chiến với các báo Sự thật, Cứu quốc, Nhân Dân, Độc lập, Phụ nữ, Lao động, Tiền phong, Việt Nam Thông tấn xã, Đài Tiếng nói Việt Nam… Các lực lượng vũ trang đều có báo riêng. Các khu, tỉnh cũng đều có báo hoặc bản tin, nội san của mình. Nam Bộ hình thành mạng lưới báo, đài phát thanh hoạt động tại nhiều địa phương do Xứ ủy Nam Kỳ trực tiếp phụ trách.

Ngày 04/4/1949, tại Việt Bắc, thực hiện sự chỉ đạo của Tổng bộ Việt Minh, Đoàn Báo chí Kháng chiến Việt Nam đã khai giảng Trường dạy làm báo mang tên Huỳnh Thúc Kháng, khóa học đầu tiên và duy nhất gồm 42 học viên. Đây là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên trong kháng chiến chống Pháp và trong lịch sử báo chí nước ta.

Đến đầu năm 1950, trước yêu cầu nâng cao vị trí Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời để đáp ứng nhiệm vụ nâng cao nghiệp vụ báo chí, Hội Những người viết báo Việt Nam được thành lập.

Hội nghị thành lập Hội khai mạc ngày 21/4/1950 tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa – Thái Nguyên đã thống nhất thông qua Điều lệ, Chương trình hoạt động, bầu ra Ban Chấp hành Hội với ông Xuân Thủy làm Hội trưởng, các ông Đỗ Đức Dục và Hoàng Tùng làm Hội phó, Nguyễn Thành Lê làm Tổng Thư ký.

Ngày 02/6/1950, Hội được Chính phủ ra quyết định chính thức công nhận và sau đó Hội gia nhập Mặt trận Liên Việt. Các báo thành lập chi hội. Tháng 7/1950, đại hội của Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ) họp ở Phần Lan đã công nhận Hội Những người viết báo Việt Nam là thành viên chính thức của tổ chức này.

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, Hội Những người viết báo Việt Nam chuyển về Hà Nội, đặt trụ sở chính tại số nhà 59 Lý Thái Tổ.

Ngày 16-17/4/1959, diễn ra Đại hội lần II của Hội với 123 đại biểu thay mặt 700 hội viên tham dự, bầu ra Ban Chấp hành gồm 25 nhà báo do ông Xuân Thủy làm Chủ tịch.

Ngày 07-08/9/1962, diễn ra Đại hội lần III với 160 đại biểu thay mặt 757 hội viên tham dự, bầu Ban Chấp hành gồm 29 nhà báo do ông Hoàng Tùng làm Chủ tịch và đổi tên là Hội Nhà báo Việt Nam.

Trải qua mười kỳ Đại hội, Hội Nhà báo Việt Nam đã đề ra những khẩu hiệu, mục tiêu phấn đấu nhằm đưa nền báo chí cách mạng Việt Nam phát triển, đổi mới theo kịp bước đi của thời đại. Hội Nhà báo Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa, thể hiện rõ hơn vai trò của một tổ chức chính trị – xã hội và nghề nghiệp, nâng cao vị thế, hiệu ứng hoạt động, sức lan tỏa của mình. Vai trò, vị thế, chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cấp Hội đã được nâng lên đáng kể.

Hoạt động của tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, trực tiếp của Đảng, sự ủng hộ, tạo điều kiện của Nhà nước, các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương. Luật Báo chí 2016 ban hành với nhiều điểm mới đã tạo điều kiện cho hoạt động báo chí thuận lợi, hiệu quả hơn, trong đó có Điều 8 đã luật hoá những quy định bắt buộc về tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam, về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội X với 11 nhiệm vụ trọng tâm, hoạt động của các cấp Hội trong nhiệm kỳ qua có nhiều chuyển biến tích cực, đi vào chiều sâu; vai trò, chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội ngày càng được nâng cao, tạo sự lan tỏa trong đời sống xã hội, quy tụ, thu hút đông đảo các cơ quan báo chí và người làm báo trong cả nước.

Hà Anh

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sự ra đời của Hội Nhà báo Việt Nam