Sửa đổi Quy chuẩn về nước thải y tế

Theo Monre|04/10/2017 10:10
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Sửa đổi Quy chuẩn về nước thải y tế – Ảnh minh họa

(Moitruong.net.vn) – Bộ TN&MT và Bộ Y tế đang phối hợp sửa đổi QCVN 28:2010/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế tại các cơ sở y tế nhằm nâng cao việc quản lý môi trường trong các cơ sở y tế hiện nay.

Dự thảo Quy chuẩn quy định giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm đặc trưng trong nước thải y tế khi xả ra nguồn tiếp nhận. Nguồn tiếp nhận nước thải là nơi nước thải được xả vào, bao gồm hệ thống thoát nước (đô thị, khu dân cư), sông, suối, khe, rạch, kênh, mương; hồ, ao, đầm; vùng nước biển ven bờ, vùng biển và nguồn tiếp nhận khác.

Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang cân nhắc sửa đổi, điều chỉnh giá trị của các thông số ô nhiễm cho phù hợp với quy chuẩn quốc gia và xem xét bổ sung một số thông số như tổng Nitơ (thay cho thông số nitrat), Clo dư, tổng các chất hoạt động bề mặt… Đối với bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải y tế sau khi khử trùng sẽ được quản lý như đối với chất thải rắn y tế thông thường, để tránh gây tốn kém kinh phí cho các cơ sở y tế khi phải thực hiện phân tích tính chất nguy hại theo quy định của QCVN 50:2013/BTNMT.

Việc sửa đổi QCVN 28:2010/BTNMT cho phù hợp với Luật BVMT năm 2014 và các văn bản hướng dẫn liên quan, cùng với thực trạng quản lý nước thải y tế tại các cơ sở y tế là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu về BVMT trong các cơ sở y tế.

QCVN 28:2010/BTNMT được ban hành năm 2010 quy định các cơ sở y tế phải xử lý nước thải y tế đạt 15 thông số: pH, BOD5 (20oC), COD, tổng chất rắn lơ lửng (TSS), Sunfua (tính theo H2S), Amoni (tính theo N), Nitrat (tính theo N), Phosphat (tính theo P), dầu mỡ động thực vật, tổng hoạt độ phóng xạ α, tổng hoạt độ phóng xạ β, tổng coliforms, Salmonella, Shigella, Vibrio cholerae trước khi xả thải ra môi trường. Việc lựa chọn các công nghệ phù hợp và xử lý nước thải y tế đạt QCVN 28:2010/BTNMT, quan trắc nước thải y tế đủ tần suất tại các cơ sở khám, chữa bệnh đã góp phần tích cực trong công tác quản lý nước thải y tế, BVMT trong các cơ sở y tế.

Tuy nhiên sau 7 năm áp dụng, QCVN 28:2010/BTNMT đã bộc lộ một số bất cập như quy định đối tượng áp dụng là các cơ sở khám, chữa bệnh mà chưa bao quát hết các nhóm đối tượng cơ sở y tế có liên quan. Theo quy định của Luật Khám, chữa bệnh, có nhiều loại hình tổ chức hoạt động khám, chữa bệnh với quy mô và tính chất hoạt động khác nhau, do đó tính chất ô nhiễm và mức độ phát sinh nước thải của các loại hình cơ sở khám, chữa bệnh cũng khác nhau.

Ngoài ra, có một số chỉ tiêu về ô nhiễm môi trường được quy định trong QCVN 28:2010/BTNMT chưa phù hợp với thực tế và các quy định liên quan vì hầu hết các cơ sở y tế không phát sinh chất thải phóng xạ (trừ một số bệnh viện điều trị ung thư và cơ sở nghiên cứu y học); 3 thông số về vi sinh là Salmonella; Shigella; Vibrio cholerae có tần suất xuất hiện rất ít và không thường xuyên trong các báo cáo quan trắc môi trường của các cơ sở y tế…

Theo Monre


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Sửa đổi Quy chuẩn về nước thải y tế
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.