Diễn biến dịch COVID-19 tại Italy đang rất phức tạp. Đáng chú ý, tỷ lệ tử vong tại đây hiện là 5%, cao hơn mức trung bình 3,4% của thế giới. Quốc gia Nam Âu này giờ trở thành nước có số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 cao thứ hai chỉ sau Trung Quốc, vượt qua Hàn Quốc và Iran.
Dân số già
Trên toàn cầu, khoảng 3,5% trong số 109.578 người mắc bệnh đã thiệt mạng, theo dữ liệu mới nhất từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Nhiều chuyên gia cho rằng tỷ lệ tử vong thực sự có thể thấp hơn, vì nhiều trường hợp nhiễm virus không được thống kê.
Dữ liệu toàn cầu về khả năng gây tử vong của chủng virus corona mới, được đặt tên chính thức là SARS-CoV-2, cho thấy người cao tuổi là đối tượng dễ tổn thương hơn nhiều so với người trẻ tuổi.
Tại Italy, nơi có tỷ lệ người già trong dân số cao thứ 2 thế giới sau Nhật Bản, 58% bệnh nhân Covid-19 tử vong cho đến nay là người ngoài 80 tuổi và hơn 31% ở độ tuổi 70, theo Viện Y tế Quốc gia, cơ quan kiểm soát dịch bệnh của Italy.
Italy là nước có tỷ lệ người già trong dân số cao thứ hai thế giới.
Quả tải hệ thống Y tế địa phương
Số bệnh nhân mắc COVID-19 tại một khu vực quá nhiều khiến hệ thống y tế địa phương quá tải là một trong các nguyên nhân. Cơ sở y tế tại những khu vực bùng phát dịch như Lombardy hay Veneto không thể đáp ứng được số bệnh nhân tăng cao từng ngày.
Chính phủ Italy đang lo rằng cuộc khủng hoảng y tế tại Lombardy có thể lan rộng ra toàn bộ đất nước. Để chuẩn bị cho điều đó, chính phủ đang mua hàng nghìn máy thở mới và đã chỉ thị cho giới chức y tế trên cả nước tăng thêm 50% số giường tại các khu hồi sức tích cực.
Một vấn đề lớn hơn là nhân sự: Không có đủ bác sĩ và y tá chuyên môn cho các khu hồi sức tích cực. Tính trên cả nước, các khu này đã thiếu khoảng 3.000 bác sĩ trước khi dịch virus corona bùng phát, theo hiệp hội đại diện cho họ.
Các bác sĩ và y tá đang ở tuyến đầu chống dịch đang bị quá tải, liên tục làm việc quá giờ và bản thân trở thành người nhiễm virus. Ở Lombardy, nhân viên y tế chiếm khoảng 12% số người mắc bệnh.
Trong khi đó, đầu tư cho y tế công cộng tại Italy chỉ chiếm 6.8% GDP của nước này, thấp hơn các nước khác trong liên minh châu âu như Pháp và Đức.
Bỏ lọt người bệnh
Quy mô xét nghiệm chưa rộng khắp, dẫn đến bỏ lọt người bệnh cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao tại Italy. Theo các chuyên gia, thông thường, khi việc xét nghiệm được mở rộng trong một cộng đồng sẽ phát hiện được nhiều ca mắc nhẹ hơn, do đó, cơ hội chữa khỏi cũng sẽ cao hơn.
Không giống vậy, Hàn Quốc đã tăng cường xét nghiệm hàng loạt cư dân ngay sau khi dịch bệnh bùng phát và truy tìm những người có khả năng nhiễm bệnh.
Được trao quyền theo luật về bệnh truyền nhiễm, các quan chức y tế của đất nước đã tiếp cận giao dịch thẻ tín dụng, dữ liệu điện thoại thông minh và băng ghi hình từ camera an ninh của một cá nhân.
>>> Xem thêm: Việt Nam tạm ngừng miễn thị thực cho công dân Italy
Giờ đây, Italy đang chạy đua với thời gian để làm chậm sự lây lan của virus trước khi nó áp đảo hệ thống chăm sóc sức khỏe ở nước này, dẫn đến nhiều cái chết hơn.
Song số bệnh nhân đang tăng nhanh hơn số giường bệnh. Ở những vùng bị ảnh hưởng nặng nhất, các bác sĩ nói rằng nếu số ca nhiễm mới tiếp tục gia tăng với tỷ lệ hiện tại – khoảng 25% mỗi ngày – các bệnh viện có thể hết giường trống trong một tuần nữa để có thể điều trị cho tất cả những người cần hồi sức tích cực. Khoảng 60% bệnh nhân Covid-19 đang được hồi sức tích cực ở Lombardy là trên 65 tuổi.
Bảo Anh