Mèo là một trong những loài vật đông đảo nhất, phong phú nhất, hữu ích nhất và được con người thuần dưỡng sớm nhất. So với các loài vật nuôi khác, mèo có nhiều sự khác biệt và phức tạp, thể hiện rõ nét qua cấu tạo, đặc tính sinh học và hoạt động của nó. Loài mèo còn trở nên gắn bó mật thiết và có ảnh hưởng sâu rộng tới cả đời sống vật chất lẫn tinh thần của con người, trên khắp thế giới cũng như ở Việt Nam.

Mèo trong quan hệ với con người

Từ xưa, mèo đã có quan hệ gần gũi với cuộc sống con người và những quan hệ đó luôn phát triển, đa dạng hóa. Con mèo đi vào cả các sinh hoạt vật chất lẫn tinh thần của con người như một đối tượng phổ biến có ảnh hưởng quan trọng. Đồng thời, con người cũng tác động quyết định đến đời sống cộng đồng mèo. Trừ số mèo hoang, trên thế giới hiện nay theo ước tính trung bình cứ 3 gia đình thì có 1 gia đình nuôi mèo.

Mèo được nhiều dân tộc sùng bái. Người Ai Cập cổ đại đặc biệt kính trọng mèo. Thời ấy, khi mèo chết, chủ nhà phải cạo lông mày để tang. Ai giết mèo thì sẽ bị tử hình! Sở dĩ như vậy là vì dưới hình thức con mèo thần, dân Ai Cập cổ đại tôn thờ Nữ thần Bastet như là một vị thần ban phúc và bảo hộ cho loài người. Rất nhiều tác phẩm nghệ thuật khắc họa con mèo thần đó cầm dao cắt đầu con rắn Apophis - Thần Bóng tối (con rắn này cố tình lật ngược chiếc thuyền thần thánh bơi qua cõi âm phủ). Ở đây, con mèo biểu trưng cho sức mạnh và sự khéo léo của giống mèo mà nữ thần giám hộ sai khiến phục vụ con người, giúp loài người chiến thắng kẻ thù ẩn nấp.

meo.jpg
Mèo là một trong những loài vật đông đảo nhất, phong phú nhất, hữu ích nhất và được con người thuần dưỡng sớm nhất

Tại Trung Hoa cổ đại, mèo được coi là con vật báo điều lành và dân chúng bắt chước điệu bộ của nó trong các điệu múa nông nghiệp (granet). Còn ở Ấn Độ, người ta tìm thấy tượng những con mèo khổ hạnh biểu thị cho phúc lạc của thế giới động vật (kramrisch). Tại Campuchia, hiện nay vẫn duy trì tục lệ nhốt mèo vào lồng rồi vừa đi vừa ca hát, rước nó từ nhà này sang nhà kia để cầu mưa: Mỗi người đều tưới nước cho mèo với niềm tin tiếng kêu của nó làm động lòng thần Indra - vị thần quản lý nước - khiến thần phải cho mưa xuống, dập tắt hạn hán cõi trần.

Người Hồi giáo rất quý chuộng mèo và coi mèo đen là con vật đặc biệt. Ở Iran, ai hành hạ mèo đen thì có nguy cơ bị Hemzâd (thần ra đời cùng lúc với người để làm bạn của người ấy) trừng phạt… Tại xứ Galles, vào thế kỷ X, luật pháp quy định nếu ai ăn cắp hoặc giết một con mèo của người khác thì phải bồi thường một con cừu kèm theo một chú cừu con nữa. Còn đối với dân da đỏ Pawnees ở Bắc Mỹ, mèo rừng là biểu tượng của sự khôn khéo, tài tình, là kẻ quan sát thông minh, bình tĩnh và bao giờ cũng đạt được mong muốn, cho nên mèo rừng là con vật linh thiêng, chỉ được giết nó vì mục đích tôn giáo và theo nghi thức nhất định. Tại Trung Phi, người ta coi mèo rừng có tài thấu thị nên các thầy thuốc thường dùng da nó làm túi đựng dược phẩm...

Trên khắp thế giới, mèo là đối tượng phổ biến của các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống và hiện đại. Sức chịu đựng dẻo dai, sự nhẹ nhàng, độ tinh khôn, tiếng kêu, đôi mắt, bộ ria, cái đuôi mèo… trở thành nền tảng xuất phát của nhiều câu thành ngữ, tục ngữ thâm thúy - thực sự là tinh hoa của xử thế và nghệ thuật. Mèo là đối tượng trung tâm của nhiều truyền thuyết, huyền thoại gần gũi hoặc kỳ vĩ, được tạo dựng và tồn tại sâu đậm trong tâm trí con người qua hàng ngàn năm. Kho tàng truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn… thế giới cũng gặp một lượng lớn truyện có nhân vật chính là mèo (hoặc cặp nhân vật chính mèo - chuột, mèo - chó, mèo - chim, mèo - cá, mèo - rắn, mèo - người…). Vẻ đẹp độc đáo, thanh nhã, gọn, khỏe và linh động của mèo là đề tài hấp dẫn xưa nay của nhiều ngành mỹ thuật: hội họa, đúc nặn, điêu khắc, nhiếp ảnh… Trong Viện Bảo tàng Quốc gia Louvre (Pháp) hiện trưng bày một bức tượng mèo tinh xảo được người Ai Cập đúc bằng đồng vào khoảng năm 640 trước Công nguyên. Lịch sử nghệ thuật thế giới ghi nhận họa sĩ Nhật Bản Fujita là người chuyên vẽ về mèo xuất sắc nhất: Ông vẽ mèo ở đủ trạng thái và luôn tìm được những dạng thế mới lạ. Bức tranh Mèo bắt chim (1939) của danh họa Tây Ban Nha Picasso lại nổi tiếng ở tính thời sự: Đang cắn gãy cánh chú chim nhỏ, con mèo đuôi ngắn, bụng to, vuốt lởm chởm là hình ảnh của bọn phát xít lúc bấy giờ. Tại Trung Quốc, Triều Tiên, Ấn Độ, cũng có không ít họa sĩ chuyên vẽ về mèo và những nghệ nhân chuyên nặn, đúc, khắc, tạc tượng mèo.

Tuy nhiên, có lẽ do thái độ vừa dịu dàng, vừa vờ vĩnh và tinh ranh mà ở nhiều nơi, mèo bị ác cảm. Tại Nhật Bản, người ta coi nó là con vật báo điều dữ, có thể giết chết đàn bà và nhập vào thân xác họ! Còn đối với dân Celtes, mèo là hiện thân của sự bất trắc, không đáng tin tưởng. Đạo Phật thì cho rằng mèo và rắn là hình ảnh của tội lỗi, của sự lạm dụng những phúc lợi ở thế gian này (devoucoux). Đó cũng là 2 con vật duy nhất không mảy may xúc động trước sự từ trần của Đức Phật. Người Nias (ở đảo Sumatra thuộc Indonesia) lại coi mèo như nhân viên mẫn cán của cõi âm phủ.

Nếu về mặt văn hóa và quan niệm, mèo vừa tốt vừa xấu thì về mặt giá trị thực tiễn (nhất là giá trị kinh tế) đối với con người, mèo hoàn toàn tích cực. Do đặc tính ghét chuột, ham săn bắt và tàn sát chuột, mèo giúp loài người diệt trừ một loại động vật nguy hiểm. Nhiều khi, những nơi nhiều chuột, một con mèo có thể ăn mỗi ngày 20 con chuột. Một đời mèo thường tiêu diệt tới hàng ngàn con chuột (mức kỷ lục thế giới là 28.899 con chuột). Hầu hết các bộ phận cơ thể mèo đều hữu ích. Nhiều loài mèo được nuôi để làm cảnh hoặc phục vụ thí nghiệm khoa học. Tại Cyprus, người ta dùng mèo diệt trừ rắn độc. Do thông minh, nhanh nhẹn, dễ dạy bảo, mèo còn được huấn luyện làm xiếc, đưa thư, chăn gia cầm, phát hiện chất ma túy và hàng lậu… Nhiều thế kỷ qua, ở Anh, từ Văn phòng Thủ tướng đến các ngành Bưu điện, Giao thông, An ninh… đều có tập quán dùng mèo như viên chức nhà nước: Mèo được giao nhiệm vụ, hưởng mức lương rõ ràng, được khám chữa bệnh định kỳ và có chế độ nghỉ hưu hẳn hoi! Tại Nga, Pháp, Mỹ, Australia cũng có chuyện tương tự.

Nhìn chung, cùng với chó, mèo là con vật sống gần gũi loài người nhất và được con người đối xử tử tế bậc nhất trong số các vật nuôi. Ở nhiều nơi, mèo dạo chơi, làm việc, ăn ngủ… chung với người. Các trung tâm nuôi mèo, hội bảo vệ mèo, quỹ cứu trợ mèo hoang… xuất hiện nhan nhản khắp thế giới. Không ít trường hợp người ta cho mèo (chứ không phải bố mẹ, vợ con mình) được hưởng quyền thừa kế tài sản!

Mèo và người là hai loài hoàn toàn khác biệt về cấu tạo sinh học. Quan niệm đó đã được xem xét lại do một công bố gây chấn động giới khoa học: Gen người và gen mèo giống nhau đến mức kinh ngạc! Theo kết quả nghiên cứu từ năm 1991 đến 2004 của Phòng Thí nghiệm Di truyền học thuộc Viện Ung thư Quốc gia Mỹ thì các thành phần gen người và gen mèo chỉ khác nhau về thứ tự sắp xếp trong nhiễm sắc thể, còn lại rất giống nhau - đến nỗi chỉ cần đảo ngược hai đoạn nhiễm sắc thể của mèo sẽ trở thành hai đoạn tương tự ở người! Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng: Nó khẳng định quan hệ sinh học gần gũi giữa loài người và loài mèo, đồng thời mở ra nhiều hướng thuận lợi mới cho việc chữa trị những căn bệnh nan y của loài người (đặc biệt là ung thư và AIDS).

Mèo ở Việt Nam

Ở Việt Nam, mèo khá phong phú về chủng loại và được gọi bằng nhiều tên: Mèo, miu, miêu, mão… Với mỗi loài, lại được mỗi địa phương, mỗi sắc dân dùng một vài tên gọi đặc trưng.

Con mèo là đối tượng vừa đặc biệt, vừa phổ biến trong cuộc sống vật chất và tinh thần của người Việt Nam. Nhân dân ta biết nuôi mèo từ rất sớm (khoảng vài trăm năm trước Công nguyên) và sử dụng nó vào nhiều mục đích khác nhau: Kinh tế, văn hóa, giải trí, tôn giáo… Mèo sống gần gũi, rất được quan tâm và quý mến. Tên gọi các bộ phận cơ thể mèo được gắn liền với những sự vật, hiện tượng tương tự (đá tai mèo, cây đuôi mèo, tóc râu mèo…). Tập tính của mèo cũng được dùng để thể hiện những sinh hoạt đặc thù của người (ngủ mèo, tắm mèo, trò mèo…).

Hình ảnh con mèo đi sâu vào nền văn hóa dân gian nước ta với những biểu hiện, những hình thức phong phú và đặc sắc. Theo thống kê, người Việt Nam (bao gồm 54 dân tộc) có đến hàng ngàn câu ngạn ngữ, phương ngữ, thành ngữ, tục ngữ và ca dao, dân ca liên quan tới mèo. Thông dụng và tiêu biểu là các câu: Chả biết mèo nào cắn mỉu nào, chó treo mèo đậy, gửi mỡ miệng mèo, hát như mèo (cái) gào đực, mèo bị bỏng sợ cả nước lạnh, mèo già hóa cáo, sợ xanh mắt mèo và Con mèo con mẻo con meo/Muốn ăn thịt chuột thì leo xà nhà, Mèo hoang lại gặp chó hoang/Anh đi ăn trộm gặp nàng bứt khoai, Chồng người đi ngược về xuôi/Chồng tôi ngồi bếp sờ đuôi con mèo. Và bài đồng dao hài hước mà sâu cay, trẻ già đều nhớ: Con mèo mà trèo cây cau/Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà/Chú chuột đi chợ đàng xa/Mua mắm mua muối giỗ cha con mèo! Mèo theo vào nhiều bài hát, đặc biệt những bài hát dành cho thiếu niên nhi đồng (Chú mèo con, Như mèo rửa mặt, Mèo đuổi chuột, Thương con mèo…). Mèo là đề tài trung tâm của hàng trăm truyện cổ tích, ngụ ngôn, huyền thoại, giai thoại. Phổ biến và điển hình là các tác phẩm Sự tích Mèo và Chuột, Mèo lại hoàn mèo, Mèo dạy Hổ, Mèo và Chuột già, Mèo ăn chay, Con mèo tinh khôn. Mèo còn gợi nguồn cảm hứng nồng nàn, độc đáo, sáng tạo cho nhiều nhà văn và thi sĩ. Về văn xuôi, nổi bật có những truyện ngắn Con mèo (của Nam Cao), Chó mèo hoang (Xuân Diệu), Lại chuyện con mèo (Nguyễn Công Hoan), Mắt mèo (Sơn Trần), Mèo đêm (Thụy Vũ), Súng và mèo (Quế Hương) và các tiểu thuyết Khởi đầu là mèo (Tô Hải Vân), Vua Mèo (Đào Hiếu). Về thơ ca, ấn tượng có các bài từ xưa như: Miêu của Nguyễn Trãi, Vịnh mèo của Trần Tuấn Khải, Con mèo của Tú Mỡ đến nay như Mèo con đi học của Phan Thị Vàng Anh (Hôm nay trời nắng chang chang/Mèo con đi học chẳng mang thứ gì/Chỉ mang một chiếc bút chì/Và mang một mẩu bánh mì con con), Đêm tối trời của Đoàn Mạnh Phương (Chuột đuổi nhau trên căn gác cũ/Mắt mèo hoang lấp lánh như sao/Gió như muốn gọi nhau thành bão/Chém vào đêm những nhát ngọt ngào), Nhớ ngày mai của Hoàng Nhuận Cầm (Ta đã đi như mèo trên phố vắng/Gọi tên con như gọi các thiên thần/Có một nốt chưa bao giờ con biết/Là nốt buồn cha đã nuốt thay con).

Mèo (mão, miêu) hiện diện trong nhiều loại địa danh đồi núi, sông hồ, bến đảo, ga chợ… trên khắp mọi miền đất nước, suốt dọc từ Bắc vào Nam tiêu biểu có: Làng Mèo Ván và huyện Mèo Vạc (Hà Giang), xã Hồng Thu Mèo (Lai Châu), chợ Suối Mèo (Sơn La), thôn Mèo (Bắc Kạn), làng Mão Điền (Bắc Ninh), hồ Mèo Gù (Hà Nội), đồi Mèo (Hòa Bình), núi Mèo Cào (Ninh Bình), cửa khẩu Na Mèo và chùa Mèo (Thanh Hóa), dốc Mèo (Thừa Thiên-Huế), mỏ vàng Bồng Miêu (Quảng Nam), suối Mèo (Khánh Hòa), chợ Mèo (Ninh Thuận), đồi cát Mèo Vàng (Bình Thuận), bến phà Rạch Mèo (Kiên Giang)… Mèo được lấy làm tên cho nhiều loài động vật: Bọ mèo (bọ chét mèo), bướm mèo, cá mèo, cú mèo, gấu mèo (gấu trúc), gấu mèo đỏ, lợn mèo (lợn mẹo), rắn hổ mèo, rận mèo, sâu róm mèo… Mèo còn được dùng làm thực phẩm và dược liệu, nên tên của nó được đặt cho nhiều loài thực vật - nhất là những cây trồng để ăn, làm cảnh và chế thuốc: Chàm mèo, cây gai mèo (lanh mèo), cây lưỡi mèo, cây mắt mèo gai (cây cò cưa), cây móc mèo, cây tai mèo (cây bông vang), cây râu mèo, cỏ lưỡi mèo (cỏ chỉ thiên), đậu mèo, lúa mèo (củ niễng), nấm tai mèo (mộc nhĩ), táo mèo…

Mèo cũng là đối tượng nghệ thuật hấp dẫn thể hiện trên các vật dụng sinh hoạt thường ngày, nhà cửa, nơi thờ tự… - tiêu biểu nhất phải kể đến bức chạm Mèo và cá, tôm trên bia đá chùa Linh Quang (Hải Phòng) và bức chạm Mèo ngoạm cá trên kèo gỗ sát mái đình Đại Phùng (Hà Nội), hay những tượng thờ linh miêu rải rác ở các địa phương miền núi. Hội họa dân gian Việt Nam - qua dòng tranh Hàng Trống và Đông Hồ - cũng dành cho đề tài mèo sự ưu ái, với những tác phẩm nổi tiếng: Con mèo, Đám cưới chuột, Cậu bé ôm mèo, Tình anh em. Nhiều họa sĩ hiện đại có sở trường, mê thích hoặc chuyên vẽ về mèo, tiêu biểu phải kể đến các danh họa Lê Bá Đảng, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Văn Cường, Đào Hải Phong… Mèo còn nhập hệ lịch can chi 12 con vật, là biểu tượng chi Mão với những ý nghĩa triết lý-nhân văn sâu sắc. Tháng con mèo là tháng Hai âm lịch, chính giữa xuân, cây cối tươi tốt nhất, con người cũng dồi dào sinh lực nhất và tương quan trời-đất đạt đến độ hài hòa tối đa.

Người Việt Nam sớm biết khai thác triệt để, sáng tạo những giá trị kinh tế và thực tiễn của mèo. Ngoài tác dụng bắt chuột, làm cảnh, mèo còn cho bộ da lông bền đẹp và thịt ngon bổ. Theo y học cổ truyền, thịt mèo được gọi là “miêu nhục”, có tính ấm, vị ngọt, hơi chua, không độc, dùng đặc trị chóng mặt, xanh da, mụn nhọt, lao phổi, chướng bụng, loét dạ dày, gan và thận hư, trĩ mãn tính. Dạ dày mèo là vị thuốc quý, chữa nhiều bệnh tiêu hóa và suy nhược. Mật mèo chế thành thuốc trị đau mắt. Gan mèo phơi khô, tán bột, uống với rượu nhạt vào lúc đói chữa được ho lao. Phổi mèo băm nhỏ, trộn với vài vị thuốc thực vật rồi đem nướng hoặc hấp chín, ăn chữa hen suyễn. Xương mèo đem nấu cao, dân một số nơi ngâm trực tiếp vào rượu mạnh, dùng tăng sinh lực, trị tê thấp, sưng nhức, cảm lạnh, ho đờm… Ngay cả phân mèo (“miêu phẩn”) đã sao khô trở thành thuốc trị chứng sởi, đậu ở trẻ em hoặc bọc bằng đất sét rồi nướng trên than hồng, nghiền thành bột, trộn với đường cát, ăn chữa lao, kiết lỵ. Còn khi bị con đỉa hoặc sâu bọ chui vào tai, lấy nước tiểu mèo (“miêu niệu”) rỏ vào, chúng sẽ phải bò ra ngoài! Trong phẫu thuật, vết mổ được khâu bằng chỉ chế từ ruột mèo. Ruột mèo phơi khô cũng là nguyên liệu lý tưởng để làm dây cung nỏ - vũ khí cổ truyền của người Việt Nam; hoặc dây cuaroa, dây bảo hiểm - trong các máy móc, công nghệ hiện đại.

Những thập niên gần đây, do bị xuất khẩu lậu bừa bãi ra nước ngoài và các quán đặc sản thịt mèo (tiểu hổ) mọc lên khắp nơi, số lượng mèo nước ta giảm sút nghiêm trọng, gây mất cân bằng sinh thái và nạn chuột trở lại hoành hành. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị áp dụng khẩn cấp các biện pháp bảo vệ mèo và khuyến khích nuôi mèo (Chỉ thị số 09/1998/CT-TTg)… Trong tương lai, chúng ta cần nhìn nhận đúng đắn hơn giá trị, hành động thiết thực hơn để cứu vãn, khôi phục và phát triển loài vật rất gần gũi, hữu ích này.

Bài liên quan
  • Mẹo phân biệt các loại gỗ sao
    Gỗ sao là một trong những loại cây gỗ khá đa dạng về chủng loại. Mỗi loại lại cho thu hoạch sản phẩm gỗ có đặc tính khác biệt nhau. Về cơ bản, gỗ sao đang được phân thành 5 loại gỗ khác nhau bao gồm: Sao Xanh, Sao Vàng, Sao Đỏ, Sao Đen và Sao Cát, mỗi loại lại có những đặc tính riêng đúng như tên gọi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Tản mạn về Mèo
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.