(Moitruong.net.vn) – Tầng ozone có vai trò bảo vệ sự sống trên Trái Đất khỏi bức xạ cực tím nguy hiểm đang suy giảm bất ngờ ở các khu vực đông dân nhất thế giới. 

Ảnh minh họa

Nghiên cứu mới công bố ngày 6/2 của nhóm 20 nhà khoa học quốc tế cho thấy 30 năm sau khi cộng đồng quốc tế ký Nghị định thư Montreal về cấm các chất làm suy giảm tầng ozone, các lỗ hổng tầng ozone ở Nam cực và lớp trên của tầng bình lưu, cách mực nước biển từ 24 – 50 km, đang có những dấu hiệu phục hồi rõ rệt. Tuy nhiên, đồng thời, ozone ở tầng bình lưu thấp hơn, cách mực nước biển 10 – 24 km, lại đang bị suy giảm dần.
Tác giả chính của báo cáo William Ball, nhà nghiên cứu tại Học viện Công nghệ liên bang Thụy Sĩ ở Zurich, cho biết ở các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới, nơi sinh sống của hầu hết nhân loại, tầng ozone vẫn chưa bắt đầu phục hồi. Thậm chí, trên thực tế, tình trạng của tầng ozone ngày nay suy giảm hơn một chút so với cách đây 20 năm.
Các nghiên cứu trước đó cho thấy, ở giai đoạn suy giảm nhất, vào khoảng đầu thế kỷ 21, tầng ozone đã suy giảm khoảng 5%. Nghiên cứu mới công bố trong Hóa học và Vật lý Khí quyển dựa trên nhiều phép đo vệ tinh ước tính tầng ozone đã suy giảm thêm 0,5% từ đó đến nay. Theo tác giả Ball, nếu được xác nhận, điều này có nghĩa là mức độ suy giảm tầng ozone “hiện đang ở mức cao nhất từ trước tới nay”.
Nghiên cứu cũng chỉ rõ 2 yếu tố có thể là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng đáng quan ngại này. Theo đó, yếu tố thứ nhất là nhóm các hóa chất thông dụng như dung môi, chất tẩy sơn và chất tẩy nhờn, được gọi chung là “các chất tồn tại trong thời gian rất ngắn” (VSLS), tấn công ozone ở tầng bình lưu thấp hơn. Các loại hóa chất này chỉ tồn tại từ 6 – 12 tháng và không được quy định trong Nghị định thư Montreal. Một nghiên cứu gần đây cho thấy mật độ của dichloromethan, một trong những chất VSLS gây suy giảm tầng ozone, trong tầng bình lưu đã tăng gấp đôi chỉ trong hơn một thập niên. Với vấn đề của VSLS, nghiên cứu đề xuất các nhà quản lý có thể bổ sung những chất này vào Nghị định thư Montreal.
Yếu tố thứ hai là tình trạng nóng lên toàn cầu, theo đó, các mô hình biến đổi khí hậu cho thấy sự thay đổi trong dòng lưu thông không khí ở tầng bình lưu thấp hơn cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến tầng ozone, bắt đầu từ vùng trên vùng nhiệt đới. Tuy nhiên, theo tính toán, sự thay đổi đó được cho là sẽ xảy ra trong nhiều thập niên tới, và dự kiến sẽ không ảnh hưởng đến tầng ozone ở khu vực giữa vùng nhiệt đới và vùng cực.
Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tầng ozone suy giảm tại các vùng đông dân