Thảo luận xây dựng Nghị định lộ trình phương thức cắt giảm khí nhà kính

Theo Monre|13/10/2017 01:10
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Ngày 12/10, tại Hà Nội, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Nguyễn Văn Tuệ đã chủ trì Hội thảo với các Bộ, ngành về Nghị định lộ trình phương thức cắt giảm khí nhà kính (KNK).

Cục trưởng Cục BĐKH Nguyễn Văn Tuệ phát biểu tại hội thảo

Tham dự có các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập của Bộ TN&MT, cùng đại diện các Bộ: Giao thông vận tải, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TN&MT, Cục Biến đổi khí hậu đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan triển khai nghiên cứu, xây dựng Nghị định về lộ trình và phương thức để Việt Nam tham gia hoạt động giảm nhẹ khí nhà kính toàn cầu, thi hành Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014.

Dự thảo khung Nghị định đã được xây dựng dựa trên các nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, rà soát, đánh giá các chính sách liên quan đến giảm nhẹ phát thải KNK tại Việt Nam; những đề xuất cách tiếp cận thực hiện lộ trình, phương thức theo Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam và đánh giá các tác động.

Đại diện Ban soạn thảo, ông Lương Quang Huy, Trưởng phòng Giám sát phát thải khí nhà kính và Kinh tế carbon thấp (Cục Biến đổi khí hậu) cho biết: Nghị định gồm 7 chương: Quy định chung; Lộ trình giảm nhẹ phát thải KNK; Phương thức giảm nhẹ phát thải KNK; Kiểm kê KNK; Hoạt động đo đạc, báo cáo, thẩm tra (MRV) về giảm nhẹ phát thải KNK; Trách nhiệm thực hiện; Tổ chức thực hiện và điều khoản thi hành.

Nghị định đã đưa ra 6 lĩnh vực giảm phát thải, cùng với phần trăm tổng lượng phát thải KNK cần giảm để thực hiện đủ mức cam kết 8% so với kịch bản phát thải thông thường trong Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam, đó là: năng lượng (2,7%), giao thông vận tải (0,6%); xây dựng (0,5%); nông nghiệp (0,8%); quản lý chất thải (0,5%) và các quá trình hoạt động công nghiệp, nông nghiệp và thay đổi sử dụng đất (LULUCF) (2,9%).

Về lộ trình có 2 giai đoạn. Giai đoạn 2018 – 2020 tập trung vào một số hoạt động chính làm cơ sở để thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến 2050 sẽ tập trung triển khai các phương thức giảm nhẹ phát thải cho từng lĩnh vực, dự án để đạt được mục tiêu đã cam kết.

hoi thao khi nha kinh 1

Toàn cảnh hội thảo

Theo Cục trưởng Nguyễn Văn Tuệ, 6 lĩnh vực mục tiêu được đưa ra có khả năng thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính lớn tại Việt Nam và phù hợp với mục tiêu đặt ra trong NDC. Bởi vậy, mức quy định này có thể được điều chỉnh theo các thay đổi trong NDC, nguồn lực từ hợp tác quốc tế và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. 8% là mức giảm phát thải tối thiểu phải đạt được, ngoài ra, vẫn có sự khuyến khích giảm phát thải trong các lĩnh vực khác để nâng cao mức giảm phát thải của VIệt Nam.

Nghị định cũng quy định có 4 cấp Đề án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính bao gồm: cơ sở (cấp dự án), tỉnh, lĩnh vực (Bộ, ngành) và quốc gia. Theo đó, chỉ có cấp cơ sở, cụ thể là các doanh nghiệp tạo ra lượng giảm phát thải thực tế; các cấp còn lại có trách nhiệm quản lý, tổng hợp và đánh giá nỗ lực giảm phát thải theo từng cấp.

Tại hội thảo, ông Koji Fukuda, Cố vấn Kỹ thuật Trưởng Dự án JICA SPI-NAMA đã trình bày Kinh nghiệm của Nhật Bản trong xây dựng văn bản ràng buộc trách nhiệm pháp lý các Hành động về Khí hậu. Bên cạnh đó, đại diện các đơn vị tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã thảo luận xung quanh các nội dung xây dựng Dự thảo Nghị định, tập trung vào cách tiếp cận về phạm vi, đối tượng, lộ trình, phương thức, phân cấp quản lý về giảm nhẹ. Cục BĐKH sẽ tiếp thu và tổng hợp các ý kiến, tiếp tục hoàn thiện dự thảo Khung Nghị định. Dự kiến, Nghị định lộ trình phương thức cắt giảm KNK sẽ được ban hành vào quý I năm 2018.

Theo Monre


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Thảo luận xây dựng Nghị định lộ trình phương thức cắt giảm khí nhà kính
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.