Theo đó, Hội nghị do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai chủ trì.
Hội nghị đã tập trung đánh giá những kết quả đạt được, chỉ ra những tồn tại hạn chế, nguyên nhân và đề ra những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới cũng như các giải pháp căn cơ, lâu dài trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN).
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, trong năm 2023, toàn quốc xảy ra 5.331 sự cố, cả nước xảy ra 1.964 trận thiên tai cực đoan, đặc biệt là mưa lớn gây sạt lở đất, lũ quét, lũ, ngập lụt trên diện rộng.
Thiên tai làm 1.129 người chết, mất tích; thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra ước tính trên 9.324 tỷ đồng; nhiều sự cố tai nạn trên biển, sập đổ công trình, sự cố hóa chất, tràn dầu, hỏa hoạn, cháy nổ xảy ra nhiều hơn với mức độ nghiêm trọng so với năm trước.
Từ đầu năm 2024 đến nay, một số đợt thiên tai nghiêm trọng như rét đậm, rét hại tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ; hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún đất và ngập lụt do triều cường xảy ra tại đồng bằng sông Cửu Long; mưa lớn, dông lốc, sét, mưa đá ở khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ; động đất xảy ra tại các tỉnh, thành phố: Hòa Bình, Lai Châu, Tuyên Quang, Hà Nội, Kon Tum; gió mạnh, sóng lớn trên biển… Thiên tai đã làm 14 người chết, mất tích, thiệt hại vật chất ước tính trên 399 tỷ đồng.
Dự báo từ nay đến cuối năm, tình hình nắng nóng sẽ kéo dài đến hết tháng 8, mưa bão xảy ra nhiều vào cuối năm. Dù mức độ thiên tai không quá khốc liệt, nhưng cục bộ vẫn có những đợt nắng với nền nhiệt cao, gây nguy cơ hạn hán, thiếu nước và mưa lớn bất thường, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.