Thừa Thiên – Huế: Hàng trăm ha sắn nhiễm bệnh khảm lá

Lê An (t/h)|19/02/2020 09:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Hiện nay, hàng trăm ha sắn tại tỉnh Thừa Thiên – Huế bị bệnh khảm lá sắn hoành hành, khiến cây sắn của người dân hư hại phải tiêu hủy, năng suất giảm sút…

Theo kế hoạch trong vụ đông xuân, Thừa Thiên – Huế sẽ đưa vào trồng 6.700ha sắn. Hiện trên địa bàn đã trồng mới 3.702ha, trong đó 1.215ha phát triển thân lá và 2.487ha mới trồng. Tuy nhiên, chỉ sau hơn một tháng xuống giống, trên cây sắn đã xuất hiện bệnh khảm lá do virus.

Tại huyện Phong Điền đã có hơn 800ha sắn bị nhiễm bệnh khảm lá. Đây là một loại bệnh nguy hiểm, làm ảnh hưởng lớn đến năng suất và có khả năng lây lan rất nhanh nếu không được phòng trừ kịp thời và triệt để.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đang phối hợp với các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn nông dân các biện pháp xử lý loại bệnh nguy hiểm này.

Theo đó, khuyến cáo người dân tuyệt đối không được để giống từ những khu vực đã bị nhiễm bệnh cho vụ sau; tiến hành thu gom toàn bộ tàn dư, cây sắn còn từ vụ trước trên các bờ thửa, hàng rào đem đốt, tiêu hủy để tiêu diệt nguồn bệnh.

Bệnh khảm lá khiến cây sắn hư hại, ảnh hưởng đến năng suất.

Ngăn chặn triệt để việc sử dụng cây sắn đã bị nhiễm bệnh làm giống; nghiêm cấm mọi hành vi buôn bán, vận chuyển giống từ các vùng đang có dịch bệnh ra các địa phương khác; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển thân, lá sắn trên địa bàn tỉnh cũng như vận chuyển từ tỉnh khác đến.

Đối với những diện tích đã bị bệnh cần xác định mức độ bệnh và giai đoạn sinh trưởng để áp dụng biện pháp tiêu hủy phù hợp.

Cụ thể, các ruộng sắn tỷ lệ bệnh dưới 70%, nhổ cây bị bệnh, thu gom và đốt. Nếu tỷ lệ bệnh trên 70% thì nhổ toàn bộ ruộng, thu gom và đốt.

Với diện tích trồng sắn xen lạc sau khi nhổ bỏ tiêu hủy cây sắn nhiễm bệnh, tiến hành chăm sóc, tùy điều kiện thực tế và độ ẩm đất có thể trồng dặm bằng các giống sạch bệnh rõ nguồn gốc.

Bệnh khảm lá sắn là một đối tượng bệnh hại đặc biệt nguy hiểm trên cây sắn. Bệnh do virus có tên khoa học là Sri Lanka Cassava Mosaic Virus gây ra. Bệnh có khả năng phát tán và lây lan nhanh chóng qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng và qua hom giống.

Hiện, chưa có thuốc để diệt trừ virus gây bệnh khảm lá sắn, chỉ có phòng bệnh là chủ yếu và khi cây sắn bị bệnh thì phải tiêu hủy. Triệu chứng đặc trưng dễ nhận biết của bệnh khảm lá sắn là khảm vàng loang lổ trên lá.

Lê An (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên – Huế: Hàng trăm ha sắn nhiễm bệnh khảm lá