Thừa Thiên – Huế: Khai thác đá của nhà máy xi măng gây nguy hại đến nhiều hộ dân

Phạm Thi|28/02/2017 03:39
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

Việc nổ mìn khai thác đá tại mỏ đá của Nhà máy xi măng Đồng Lâm thuộc xã Phong Xuân (huyện Phong Điền, Thừa Thiên – Huế) đã và đang khiến cuộc sống của hàng loạt hộ dân bị đảo lộn vì nhà cửa, cây trồng bị hư hại, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Nhiều nhà dân bị nứt nẻ

Từ năm 2014 đến nay, gia đình ông Nguyễn Văn Tường (thôn Xuân Lộc, xã Phong Xuân) luôn phải sống trong lo sợ vì hoạt động nổ mìn khai thác đá tại mỏ đá của Nhà máy Xi măng Đồng Lâm (thuộc Công ty cổ phần Xi măng Đồng Lâm) nằm gần nhà. “Ngày nào mỏ đá cũng nổ mìn,  mỗi lần mìn nổ điếc tai, nhức óc, tạo nên dư chấn như động đất khiến ngôi nhà của tôi rung chuyển và hư hại ngày càng nhiều” – ông Tường giải bày.

2

Nhiều vết nứt ngôi nhà ông Tường do hoạt động nổ mìn khai thác đá của Nhà máy Xi măng Đồng Lâm

Theo ghi nhận của phóng viên,  ngôi nhà cấp bốn kiên cố của ông Tường nằm cách mỏ đá khoảng gần 300m. Hiện tượng của ngôi nhà này có nhiều vết nứt lớn, đe dọa đến sự an toàn. “Hơn 2 năm nay vợ chồng tôi lo lắng đến mất ăn mất ngủ khi tường nhà bị nứt nẻ ngày càng nhiều do mìn nổ. Dành dụm cả đời mới xây được ngôi nhà, rồi đây không biết sống ra sao” – ông Tường thở dài.

Cùng cảnh ngộ với gia đình ông Tường là hàng loạt hộ dân khác ở thôn Xuân Lộc. Toàn thôn này có 130 hộ dân thì hầu hết các hộ đều nhà cửa bị nứt nẻ. Không chỉ Xuân Lộc mà người dân các thôn Vinh Ngạn, Hiền An cũng phản ánh tình trạng nhà cửa của họ bị hư hại do hoạt động nổ mìn tại mỏ đá trên. Ngoài nhà của, sản xuất của người dân cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi việc nổ mìn tạo ra khói bụi và khiến đá văng xa làm thiệt hại nhiều diện tích ruộng lúa.

Trước đó, việc khai thác nguồn đá ngầm dự trữ phục vụ cho nhà máy này cũng khiến cuộc sống của người dân ở thôn Điền Lộc, Quảng Lộc bị đảo lộn vì nhà cửa cũng bị rạn nứt, đất sụt lún từng ngày, đã có 93 ngôi nhà ở hai thôn này bị rạn nứt. Trong đó có nhiều ngôi nhà kết cấu hai tầng vững chắc. Tại nhà chị Thái Thị Diệp ở thôn Điền Lộc, ngay từ cánh cửa đầu tiên đã thấy nhiều vết nứt chạy dọc trên tường. Bức xúc vì chuyện nhà máy nổ mìn khai thác đá làm nứt nhà, chị Diệp kể: “Nhà tui nứt nẻ từ lúc nhà máy xi măng Đồng Lâm bắt đầu nổ mìn khai thác đá. Buổi trưa cứ mỗi lần nghe tiếng nổ mìn là nhà cửa rung lên. Tội nhất là mấy đứa nhỏ, cứ nghe tiếng nổ là hốt hoảng. Gia đình làm nông, tích góp được một ít để làm nhà, giờ thì không biết mần răng. Kiến nghị mãi mà chẳng thấy nhà máy xi măng có động tĩnh gì. Cả nhà lúc nào cũng nơm nớp, không biết nhà sập khi mô”.

Hiện tượng sụt lún bất thường cũng đang diễn ra tại các chân ruộng, khu vực gần mỏ đá nhà máy từ cuối năm 2012 đến nay. Các điểm sụt lún cách ranh giới mỏ đá vôi của nhà máy xi măng Đồng Lâm từ 300 – 1.800m, tổng số có 36 hố sụt lún đất, nằm rải rác ở các ruộng lúa, đường kính dao động 2 – 3m.

5

Ngôi nhà kiên cố của gia đình chị Thái Thị Diệp ở thôn Điền Lộc bị nứt nẻ kể từ khi nhà máy nổ mìn khai thác đá

Theo thiết kế, độ sâu khai thác đá từ mặt đất xuống mạch đá ngầm là 30m nhưng hiện nay mới khai thác ở chiều sâu 13m người dân đã khốn khổ. Tại thôn Lộc Lợi, xã Phong Xuân, không chỉ nhà cửa bị rạn nứt mà nước giếng cũng khô cạn, người dân không còn nước sạch để uống, phải chở nước từ thôn khác về. Gặp chúng tôi, bà con đã than phiền: Nhiều bữa trưa đang gặt lúa, nhà máy đánh mìn, đá văng ra mọi người phải bỏ chạy tán loạn.

Ông Trần Văn Cân – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phong Xuân cho biết, mỏ đá của Nhà máy Xi măng Đồng Lâm có diện tích khoảng 120ha, đi vào khai thác từ năm 2014 đến nay. Hoạt động khai thác đá tại đây được nhà máy hợp đồng với Công ty CP Đầu tư xây dựng hạ tầng và khai thác mỏ Tân Việt Bắc thực hiện.

Từ năm 2016 trở về trước, việc nổ mìn tại mỏ đá gây rung chấn lớn, khiến đá văng xa 250-300 m, sau này đỡ hơn. Trước phản ánh của người dân về việc nổ mìn khiến nhà cửa, cây trồng bị hư hại, UBND xã đã báo cáo huyện, huyện báo cáo tỉnh và tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan liên quan vào cuộc khảo sát.

Khi nào người dân an cư lạc nghiệp?

Ông Trần Văn Châu (thôn Xuân Lộc) cho biết, khi đến khảo sát về tình trạng nhà cửa bị hư hại, người của đoàn khảo sát nói rằng tường nhà của gia đình ông bị nứt là do đòn tay nặng quá.

“Sau đó phía nhà máy đòi đục tường để trát lại những chỗ tường bị nứt cho gia đình tôi nhưng tôi không đồng ý vì khắc phục như vậy hoàn toàn không hiệu quả. Hơn nữa, nhà sửa rồi sẽ lại hư hỏng vì mìn, chúng tôi cần được an cư lâu dài” – ông Châu nói.

Ông Đoàn Văn Tuấn – một trong những người chỉ huy hoạt động nổ mìn tại mỏ đá cho biết, tính đến nay phía Nhà máy Xi măng Đồng Lâm đã hỗ trợ hàng trăm triệu đồng cho người dân bị thiệt hại do đá văng xuống ruộng. Về việc nhà dân bị hư hại, ông Tuấn nói việc nổ mìn không thể nào không gây rung chấn, nhưng việc nhà dân bị nứt không phải chỉ do nổ mìn.

Theo ông Tuấn, sắp tới các cơ quan liên quan sẽ đo chấn động do nổ mìn rồi mới có phương án hỗ trợ về vấn đề nhà cửa.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng liên quan cần phối hợp chặt chẽ để có cuộc khảo sát và đánh giá đúng tình trạng thực tế, khách quan. Từ đó có những giải pháp hợp lý, hợp tình, thỏa đáng đem lại cuộc sống an cư lạc nghiệp cho nhiều hộ dân nơi đây.

Phạm Thi


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Thừa Thiên – Huế: Khai thác đá của nhà máy xi măng gây nguy hại đến nhiều hộ dân
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.