Góc nhìn tuần qua

[Góc nhìn tuần qua]: Mục tiêu Net Zero của Việt Nam - Hành trình xanh hướng tới tương lai bền vững

Ban Biên tập Moitruong.net.vn 05/07/2025 11:00

Thế giới đang hướng tới một nền kinh tế trung hòa carbon, Việt Nam đã triển khai một loạt các chính sách, chiến lược từ chuyển đổi năng lượng, phát triển thị trường carbon đến trao đổi hạn ngạch phát thải,…tất cả vì mục tiêu phát triển bền vững.

Góc nhìn tuần qua: Mục tiêu Net Zero của Việt Nam - Hành trình xanh hướng tới tương lai bền vững

Trong bối cảnh nhiều hệ lụy ngày càng nghiêm trọng do biến đổi khí hậu gây ra, thế giới đang dần chuyển mình mạnh mẽ hướng tới một nền kinh tế trung hòa carbon nhằm bảo vệ hành tinh và Việt Nam cũng không đứng ngoài xu thế đó. Cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ cam kết tại Hội nghị COP26, thể hiện tinh thần trách nhiệm của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế, cũng như ý chí nội tại hướng đến mô hình phát triển bền vững. Nhưng để đi từ cam kết đến hiện thực hóa mục tiêu Net Zero, chặng đường phía trước là không ít gian nan và đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, cộng đồng và mỗi người dân.

Theo các nhà khoa học thuộc Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), nếu nhân loại không giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp, trái đất sẽ phải hứng chịu những hậu quả thảm khốc: nước biển dâng, hiện tượng thời tiết cực đoan, mất an ninh lương thực và di cư khí hậu trên diện rộng.

Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu. Theo Ngân hàng Thế giới, nếu mực nước biển dâng một mét, khoảng 20% diện tích vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập. Ngoài ra, Việt Nam còn đối mặt với tình trạng nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất và mưa bão ngày càng khốc liệt. Chính vì vậy, cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26 không chỉ là trách nhiệm toàn cầu mà còn là lựa chọn sống còn của quốc gia. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đưa ra một cam kết khí hậu mạnh mẽ như vậy trên diễn đàn quốc tế, được cộng đồng toàn cầu đánh giá cao.

Hàng loạt chính sách và chiến lược quốc gia được ban hành nhằm hiện thực hóa cam kết, đáng chú ý nhất là Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050 (Quyết định 896/QĐ-TTg), Nghị định 06/2022/NĐ-CP về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, và Đề án phát triển thị trường carbon trong nước. Tất cả cho thấy quyết tâm chính trị rõ rệt trong việc chuyển dịch sang nền kinh tế xanh và tuần hoàn.

Không dừng lại ở đó, Việt Nam còn tham gia sáng kiến Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) cùng các nước G7, mở ra cơ hội tiếp cận hàng tỷ USD hỗ trợ tài chính và công nghệ phục vụ quá trình phi carbon hóa.

Từ chuyển đổi năng lượng, phát triển thị trường carbon đến cải thiện khả năng hấp thụ từ thiên nhiên và đổi mới trong giao thông, xây dựng, xử lý chất thải – tất cả đều cần được triển khai đồng bộ, khoa học và có lộ trình rõ ràng.

Việt Nam sẽ thí điểm hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải từ năm 2025, áp dụng cho các ngành công nghiệp phát thải lớn, và triển khai chính thức toàn quốc sau 2028. Đồng thời, việc tham gia thị trường tín chỉ carbon quốc tế sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn xanh và thúc đẩy giảm phát thải hiệu quả.

Mục tiêu Net Zero mở ra một không gian phát triển mới cho Việt Nam, với nhiều cơ hội đột phá trong các ngành công nghiệp tương lai: năng lượng tái tạo, hydrogen xanh, công nghệ lưu trữ năng lượng, vật liệu bền vững… Ngoài ra, việc tham gia vào thị trường carbon toàn cầu và phát triển kinh tế tuần hoàn cũng giúp Việt Nam gia tăng tính cạnh tranh trong xuất khẩu và thu hút đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, hành trình đạt Net Zero không hề bằng phẳng. Thách thức lớn nhất là bài toán tài chính. Theo ước tính của BloombergNEF, Việt Nam cần đầu tư khoảng 2.400 tỷ USD từ nay đến 2050 – tương đương khoảng 5% GDP mỗi năm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
[Góc nhìn tuần qua]: Mục tiêu Net Zero của Việt Nam - Hành trình xanh hướng tới tương lai bền vững
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.