Thực hiện chương trình mục tiêu Phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020

Lê Bền (Nông nghiệp)|21/07/2017 07:25
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Chính phủ vừa ban hành Quyết định 886/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu Phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 (Chương trình 886) sẽ là cú hích quan trọng cho ngành lâm nghiệp những năm tới.

Thực hiện chương trình mục tiêu Phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020

Sau 6 năm thực hiện Nghị quyết 18 của Quốc hội và Quyết định 57/QĐ-TTg năm 2012 của Chính phủ về kế hoạch bảo vệ phát triển rừng giai đoạn 2012-2016, bộ mặt ngành lâm nghiệp đã có hàng loạt những chuyển biến hết sức tích cực. Theo đó, Bộ NN-PTNT cho biết giá trị SX ngành lâm nghiệp giai đoạn 2013-2016 đạt mức bình quân 6,57% (so với mức bình quân 5,03% giai đoạn 2010-2012).

Công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng đã có nhiều tiến bộ. Tình trạng vi phạm về bảo vệ phát triển rừng (BV-PTR) giảm đáng kể. Diện tích rừng bị thiệt hại giảm từ 5.546 ha/năm giai đoạn 2006-2010 xuống chỉ còn gần 3.000 ha/năm giai đoạn 2012-2016; công tác trồng rừng bình quân hàng năm tới 225 nghìn ha rừng tập trung, trong đó trên 90% là rừng SX. Đến năm 2016, đã có trên 225 nghìn ha rừng của các tổ chức, cá nhân được cấp chứng chỉ quản lí rừng bền vững.

Sự đột phá rõ nét nhất của chính sách BV-PTR trong 5 năm gần đây, đó là sản lượng gỗ rừng trồng đã tăng tới 3,3 lần, từ 5,16 triệu m3 năm 2011 lên 17,3 triệu m3 năm 2016. Việc khai thác rừng tự nhiên cũng được quản lí chặt chẽ, với sản lượng khai thác từ hơn 200 nghìn m3 năm 2011 giảm xuống chỉ còn một Cty lâm nghiệp có chứng chỉ rừng bền vững (FSC) được phép khai thác năm 2016 với khối lượng chỉ còn 5,5 nghìn m3 và đã chấm dứt hoàn toàn việc khai thác gỗ rừng tự nhiên từ năm 2017 trên phạm vi toàn quốc.

Với sự đột phá về lượng gỗ rừng trồng, giá trị XK đồ gỗ và lâm sản khác đã tăng gấp đôi, từ 2,8 tỷ USD/năm giai đoạn 2006-2010 lên mức bình quân 6,52 tỷ USD/năm giai đoạn 2012-2015 (riêng năm 2016 kim ngạch XK đạt 7,3 tỉ USD). Bên cạnh đó, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã trở thành nguồn tài chính quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả BV-PTR, tăng thu nhập cho chủ rừng.

Người làm nghề rừng phải khấm khá

Hàng năm, nguồn thu từ DVMTR đã lên tới 1.200-1.300 tỉ đồng, thực hiện chi trả cho trên 5 triệu ha rừng. Cơ cấu sử dụng đất lâm nghiệp đã có sự chuyển dịch cơ bản, đưa diện tích rừng do các tổ chức nhà nước quản lí từ 80% năm 2000 xuống chỉ còn 45% năm 2015. Hàng loạt các hệ thống cơ chế chính sách dành cho công tác BV-PTR giai đoạn 2012-2016 cũng đã ra đời, tạo hành lang thuận lợi cho ngành kinh tế lâm nghiệp tăng tốc.

Đánh giá cao những chuyển biến tích cực của ngành lâm nghiệp sau 5 năm triển khai kế hoạch bảo vệ phát triển rừng giai đoạn 2012-2016, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng chỉ ra nhiều bất cập, hạn chế mà ngành lâm nghiệp cần tiếp tục khắc phục để triển khai hiệu quả hơn chương trình mục tiêu Phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020.

Theo Phó Thủ tướng, công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng giai đoạn 2012-2016 dù chuyển biến tốt nhưng vẫn còn những điểm nóng về phá rừng. Tình trạng vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép và chống người thi hành công vụ vẫn diễn ra. Việc triển khai chuyển mục đích sử dụng đất rừng vẫn còn thiếu chặt chẽ, có nơi còn chưa đúng quy định nên làm giảm diện tích rừng tự nhiên. Kết quả trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, trồng rừng thay thế còn thấp, chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Đặc biệt là trồng rừng phòng hộ ven biển còn gặp nhiều khó khăn. Năng suất chất lượng rừng nhiều nơi còn thấp, đa dạng sinh học nhiều nơi bị suy giảm.

Giá trị thu nhập rừng SX bình quân đến chỉ đạt 10-30 triệu đồng/ha/năm, trong khi hầu hết các hộ gia đình chỉ quản lí diện tích rừng nhỏ dưới 3ha/hộ. Tỷ trọng thu nhập từ lâm nghiệp của hộ lâm nghiệp chỉ chiếm 25% trong tổng thu nhập khiến đời sống người làm nghề rừng cơ bản vẫn còn rất khó khăn. Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm lâm nghiệp chưa cao, khả năng cạnh tranh còn thấp. Công tác đổi mới các hình thức SX còn chậm. Phần lớn các Cty lâm nghiệp vẫn chưa được tự chủ kinh doanh, không có nguồn tài chính ổn định. Trách nhiệm của các chủ rừng chưa gắn chặt với bảo vệ rừng, chưa phân định rõ SX-KD với việc thực hiện các nhiệm vụ công ích…

Đối với dự án điều tra kiểm kê rừng giai đoạn 2013-2016, mặc dù đã hoàn thành các mục tiêu, các nội dung yêu cầu đề ra tại 60 tỉnh có rừng nhưng vẫn còn những tồn tại cần khắc phục như thời gian tiến hành kiểm kê kéo dài, tới 4 năm nhưng tiến độ vẫn chậm so với quy định gần 8 tháng. Một số địa phương chỉ đạo chưa quyết liệt…

Phó Thủ tướng nhấn mạnh thời gian tới, cần phải tập trung triển một số vấn đề lớn. Một là tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm tạo môi trường pháp lí trong bảo vệ phát triển rừng, cơ chế không chỉ là bảo vệ mà còn phát triển rừng, gắn với việc nâng cao đời sống của người dân trong việc tham gia bảo vệ phát triển rừng. Hai là ban hành thực thi các sáng kiến tài chính mới nhằm tạo thêm nguồn lực để phát triển ngành lâm nghiệp, cụ thể là thúc đẩy việc chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với các cơ sở công nghiệp, du lịch sinh thái và nuôi trồng thủy sản để bồi hoàn giá trị sinh thái rừng.

Đồng thời, gắn bảo vệ phát triển rừng với tái cấu trúc ngành lâm nghiệp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh. Xác định sản phẩm ngành lâm nghiệp chủ lực để tập trung nguồn lực phát triển. Tạo điều kiện tích tụ đất lâm nghiệp, xây dựng vùng nguyên liệu chủ yếu bằng hình thức liên kết, liên doanh trồng rừng và DN chế biến theo chuỗi. Tăng cường công tác hợp tác quốc tế, chuẩn bị các điều kiện để hoàn thành các đàm phán ký kết các hiệp định với các nước trên thế giới, trong đó có EU và các hiệp định song phương với các thị trường tiềm năng để mở cửa thị trường XK lâm sản.

Lê Bền (Nông nghiệp)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Thực hiện chương trình mục tiêu Phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.