Thực phẩm sạch dịp Tết: Người tiêu dùng vẫn khó tiếp cận

18/01/2017 05:17
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Đinh Dậu, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng cao, đây cũng là cơ hội để sản phẩm bẩn trà trộn. Tuy nhiên, việc quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) lỏng lẻo, giá các sản phẩm an toàn còn cao… là những trở ngại khiến số đông người tiêu dùng khó tiếp cận được thực phẩm sạch.

thực phẩm sạch

Sản phẩm bày bán tại Hội chợ nông sản và vật tư nông nghiệp an toàn.

Mập mờ nguồn gốc và giá bán

Năm nào cũng vậy, vào dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng thực phẩm của người dân thường tăng hơn 20% so với các tháng thông thường nên việc tăng nguồn cung thực phẩm sạch ra thị trường là yêu cầu bức thiết. Hiện cả nước có 45 địa phương có mô hình liên kết chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn với 382 chuỗi cung ứng rau, quả, chè, thịt, trứng, gạo và thủy sản các loại… Cùng với xây dựng chuỗi, Bộ NN&PTNT còn ký kết với hàng trăm doanh nghiệp cung ứng sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn tại các thành phố lớn. Tuy nhiên, việc xây dựng chuỗi và cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng vẫn đang là bài toán nan giải. Hiện việc kiểm soát chất lượng sản phẩm mới chỉ làm được ở phần “ngọn”, nghĩa là mới thực hiện ở các chợ, còn phần sản xuất gần như bỏ ngỏ. Đặc biệt, ở khâu giết mổ, cả nước có hơn 28.000 điểm giết mổ nhỏ lẻ và chỉ có chưa đến 100 cơ sở giết mổ tập trung (chiếm 0,6%). Điều này cho thấy hầu hết các sản phẩm bày bán trên thị trường chưa được kiểm soát tận gốc.

Không chỉ vậy, vấn đề giá cả đang là trở ngại chính của việc cung cấp thực phẩm sạch tới tay người tiêu dùng. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Sau gần một năm thực hiện chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho người dân Thủ đô, đến nay Hà Nội đã có khoảng 1.800 mặt hàng nông sản, thực phẩm sạch của các địa phương được bày bán ở 142 điểm phân phối. Tuy nhiên, giá các sản phẩm sạch thường cao hơn nhiều so với các mặt hàng thông thường. Chẳng hạn, giá thịt lợn được chăn nuôi theo quy trình an toàn sinh học cao gấp 2-3 lần so với thịt lợn nuôi thường nên khó bán. Vì vậy, một số cửa hàng bán thực phẩm sạch sau thời gian ngắn hoạt động đã phải đóng cửa vì vắng khách. Cũng vì lý do này mà một số cửa hàng, siêu thị trà trộn thực phẩm không rõ nguồn gốc để bù đắp chi phí và kiếm lợi, khiến người tiêu dùng mất niềm tin.

Theo Phó Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT Nguyễn Thị Hằng, qua kiểm tra, kiểm soát, các lực lượng chức năng vẫn thấy có hiện tượng rau củ thông thường gắn mác an toàn được đưa vào các siêu thị, trung tâm thương mại lớn, cửa hàng… Trong năm 2016, các đơn vị của Sở đã tịch thu, tiêu hủy hàng nghìn cân hải sản, thịt bò, thịt lợn, thịt trâu… trong số đó có những lô hàng được bán ở cửa hàng uy tín, gắn mác thực phẩm sạch để đánh lừa khách hàng.

Hỗ trợ để tạo sức bật

Đối với người kinh doanh thực phẩm sạch, chất lượng sản phẩm quan trọng hơn quy mô cửa hàng. Vì vậy, chất lượng ổn định, dịch vụ tốt, giá cả hợp lý là điều kiện sống còn đối với cửa hàng cung cấp thực phẩm an toàn. Để có được các yếu tố trên, nhiều chủ cửa hàng cho rằng Nhà nước nên có chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ về giá… cho các cửa hàng, giúp họ hạ giá bán, tạo sức hút ban đầu đối với người dân khi sử dụng các sản phẩm an toàn.

Song hành với đó, ông Trần Mạnh Chiến – Chủ thương hiệu Bác Tôm cho rằng, các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra giám sát chất lượng nông sản, thực phẩm bán tại các cửa hàng an toàn, siêu thị để bảo đảm minh bạch thông tin, không để “con sâu làm rầu nồi canh” ảnh hưởng đến những doanh nghiệp làm ăn chân chính. Các HTX, chủ trang trại cung cấp thực phẩm an toàn cho các cửa hàng cũng cần tăng cường phối hợp trong công tác kiểm tra, nếu phát hiện cửa hàng trà trộn sản phẩm gắn nhãn mác của cơ sở mình cần chấm dứt hợp đồng cung cấp sản phẩm và báo tới cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật.

Hiện xu hướng sử dụng nông sản, thực phẩm an toàn ngày càng gia tăng, nhưng để các sản phẩm bán trên thị trường đúng với bản chất, giá cả phù hợp, về lâu dài phải xây dựng được các mô hình nông nghiệp an toàn từ đồng ruộng tới bàn ăn, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc đầu vào từ con giống, thuốc kháng sinh trong điều trị bệnh, thuốc bảo vệ thực vật. Các cơ quan chức năng cần công bố công khai những đơn vị sai phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng tẩy chay, có như vậy mới bảo đảm sự công bằng trên cuộc chiến chống thực phẩm bẩn.

Theo Hànộimới


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Thực phẩm sạch dịp Tết: Người tiêu dùng vẫn khó tiếp cận
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.