Tìm giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp

Ngọc Mai|20/08/2018 12:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Hàng trăm ngư dân bị bắt giữ vì khai thác thủy sản trái phép

(Moitruong.net.vn) – Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị về tình hình triển khai Chỉ thị số 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 13/12/2017 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Ảnh minh họa

Trong những năm qua, nằm trong chủ trương phát triển kinh tế biển của Đảng và Nhà nước ta, đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích hoạt động khai thác hải sản trên biển, hỗ trợ người dân ra khơi, bám biển được ban hành. Đến nay, đội ngũ tàu khai thác hải sản đã phát triển nhanh, vượt bậc cả về số lượng lẫn công suất, chủng loại (tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới composite, nhiều tàu có công suất trên 800CV).

Tuy nhiên, nghề khai thác hải sản của ta có đặc điểm là nghề cá nhân dân, đội ngũ tàu cá phần lớn là tàu có công suất nhỏ, hoạt động ở phạm vi cá nhân, hộ gia đình. Do vậy, hoạt động khai thác hải sản có đặc điểm nhỏ lẻ, không theo tổ chức, quy củ, phần lớn ngư dân có trình độ dân trí thấp, ý thức tuân thủ pháp luật kém, thường sử dụng phương pháp khai thác tận diệt, khai thác hải sản cấm đánh bắt, xâm phạm trái phép vùng biển nước ngoài… Điều này đã gây ra những hệ quả tiêu cực mà một trong số đó là việc Ủy Ban Châu Âu (EC) áp dụng cảnh báo Thẻ vàng đối với hải sản xuất khẩu của Việt Nam vào ngày 23/10/2017, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của ngư dân cũng như sự phát triển của ngành khai thác thủy sản. Do đó, việc đề ra các giải pháp để EC nhanh chóng gỡ bỏ biện pháp “thẻ vàng” là một đòi hỏi quan trọng và cấp thiết, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các Bộ, ngành, địa phương cùng với sự ủng hộ của người dân.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 45/CT-TTg, toàn bộ hệ thống cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, cộng đồng ngư dân và doanh nghiệp thủy sản đã tích cực triển khai thực hiện và đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, hiện trạng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của Việt Nam trên thực tế chưa được cải thiện đáng kể, còn rất nhiều nhiệm vụ, công việc phải làm, nhiều bất cập phải khắc phục như: Công tác thực thi pháp luật để đảm bảo việc kiểm soát tàu cá Việt Nam không vi phạm khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài chưa hiệu quả; tình trạng tàu cá vi phạm tại vùng biển nước ngoài vẫn còn diễn biến phức tạp, chưa cải thiện đáng kể…

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND 28 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc trung ương phải quán triệt và tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 45/CT-TTg, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu của Bộ, địa phương mình, không để EC áp dụng biện pháp “thẻ đỏ”, đồng thời coi đây là cơ hội để tái cơ cấu ngành thủy sản, chấn chỉnh lại hoạt động khai thác hải sản cũng như công tác quản lý nhà nước ngành thủy sản.

Tập trung thực hiện mục tiêu xây dựng ngành thủy sản bền vững, thông qua các nhiệm vụ chủ yếu như chống khai thác IUU hiệu quả, tái cơ cấu lại hoạt động, sản phẩm thủy sản trên phạm vi quốc gia cũng như của từng địa phương; nâng cao dân trí, tăng cường phổ biến kiến thức cho ngư dân; tạo việc làm, mở rộng không gian, lĩnh vực hoạt động kinh tế cho người dân ven biển, đào tạo để khuyến khích ngư dân chuyển đổi nghề; tận dụng tối đa các nguồn lợi, lợi thế từ biển.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ phương án thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác IUU do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Trưởng ban, thành viên là lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương có liên quan để tập trung chỉ đạo, thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản năm 2017, bảo đảm có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2019; xây dựng, ban hành Kế hoạch và triển khai thực hiện Hiệp định biện pháp quốc gia có cảng mà Việt Nam vừa gia nhập, bảo đảm nghiêm túc, hiệu quả; đồng thời, hoàn thành việc gia nhập Hiệp định đàn cá di cư của Liên Hợp quốc.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải xây dựng cơ chế kiểm soát tàu và hàng thủy sản có nguồn gốc từ khai thác cập cảng Việt Nam bảo đảm thực hiện các quy định về biện pháp quốc gia có cảng.

Ngọc Mai


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Tìm giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.