Tôi yêu lá cờ Tổ quốc tôi
Hồi tôi còn bé xíu, mỗi dịp trọng đại, bố tôi lại giở trong bọc nilon ra một lá cờ không mới gói trong giấy báo cũ, cẩn thận từng chi tiết, dùng chiếc cán tre già được bố tỉ mẩn cạo sạch bóng để treo lên.
Tôi vẫn nhớ như in mái nhà ba gian lợp bằng tranh cắt từ bờ bãi, phấp phới lá cờ đỏ tung bay trong gió. Cái xóm nghèo xơ xác rặt những người lao động chân tay, duy có bố mẹ tôi là nhà giáo – cũng chẳng khấm khá gì nhưng bố mẹ có tri thức, lại có lá cờ “trưng diện” ngày lễ, chị em chúng tôi vẫn tha hồ “oách” với lũ trẻ con cùng chơi. Thế rồi, năm ấy mưa bão lớn, cột cờ trường tôi bị hỏng, dây kéo đứt, lá cờ rách xẻ đuôi, lại cũng hơi bạc màu. Bố tôi đã ngắm nghía mãi lá cờ trước khi mang đến trường cho học sinh kịp buổi chào cờ ngày thứ hai. Tôi tiếc, nhưng mỗi lần giờ ra chơi ngước nhìn lên, tôi lại thầm hãnh diện vì chính bố tôi đã mang tình yêu Tổ quốc đến trường học.
.jpg)
Bây giờ, mỗi buổi sớm đến trường, dưới ánh bình minh vừa chạm, trong mắt tôi vẫn là lá cờ đỏ thắm tung bay trong gió. Cảm giác trái tim mình khẽ rung lên từng nhịp. Tôi yêu lá cờ không chỉ vì nó là biểu tượng của đất nước tôi, mà còn bởi những tầng ý nghĩa, những câu chuyện đặt sau từng nếp vải. Mỗi chi tiết trên lá cờ đều chứa đựng một ý nghĩa sâu sắc và đáng trân trọng. Lá cờ của Tổ quốc tôi – màu đỏ ấy thấm đẫm mồ hôi và máu của bao thế hệ cha ông đã hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc. Màu đỏ của cách mạng, của nhiệt huyết, ý chí, khát vọng và niềm tin. Ngôi sao màu vàng tượng trưng “ánh sáng của vai trò lãnh đạo cách mạng”, là màu da vàng và năm cánh sao tượng trưng cho khối đại đoàn kết dân tộc bao gồm sĩ, nông, công, thương, binh. Mỗi cánh sao như một lời nhắc nhở về sự gắn bó, sẻ chia và quyết tâm giữ gìn từng tấc đất quê hương.
Lá cờ Tổ quốc luôn hiện diện trong tâm trí tôi như một biểu tượng thiêng liêng và bất diệt. Từ sự nâng niu, trân trọng của bố, tôi hiểu hơn, yêu hơn và tự hào hơn. Lá cờ theo chân những người chiến sĩ trong những trận đánh cam go, dõi theo những tháng ngày gian khó, khổ đau, mất mát và hy sinh. Lá cờ ấy mang theo cả ký ức hào hùng để rồi một ngày rộn ràng reo vui mừng chiến thắng. Lá cờ như một nhân chứng lịch sử, đánh dấu những mốc son vẻ vang, chói lọi. Ngày 7/5/1954, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc hầm của tướng Đờ Cát xác nhận sự toàn thắng của quân dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, hai miền Nam, Bắc đã được thống nhất, non sông thu về một mối, cờ đỏ sao vàng là quốc kỳ chính thức của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đặt tay lên ngực trái, mắt hướng về Quốc kì, hát vang bài Quốc ca – chúng ta sẽ cảm nhận được đủ đầy giá trị của hòa bình, biết trân trọng hơn những điều ta đang có trong hiện tại.
Bạn tôi từng kể rằng: “Thật may mắn khi được đặt chân đến Trường Sa nắng gió, và thật hạnh phúc khi được tận hưởng cái cảm xúc rưng rưng, nghèn nghẹn nhìn những lá cờ Tổ quốc tung bay khắp nơi trên đảo.” Tôi hình dung được điều đó, bởi lẽ, lá cờ đang thay cho tiếng nói của một dân tộc, kiêu hãnh và đanh thép khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng.

Chúng ta cũng thấy rất rõ, mỗi khi đoàn thể thao Việt Nam giành chiến thắng ở đấu trường quốc tế, lá cờ Tổ quốc luôn xuất hiện với tất cả tự hào và xúc động. Lá cờ như một lời khẳng định: “Chúng tôi là người Việt Nam – mang đến đây sức mạnh kiên cường, đoàn kết và khát vọng chiến thắng.” Có câu chuyện viết về lời của một nhà báo Anh: “Người Việt Nam không hề yêu bóng đá, thứ họ yêu chính là Quốc kì của họ và bóng đá chính là cơ hội để họ mang Quốc kì ra để khoe.” Người ta cũng từng nói rằng người Việt Nam “cuồng” lá cờ của đất nước mình. Thực ra, người Việt Nam yêu nước, và cũng chính họ, có một tinh thần dân tộc vô cùng mạnh mẽ. Trong trái tim của họ luôn có hình hài đất nước.

Trong chương trình Lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, màn kéo cờ Tổ quốc và cờ Đảng bằng đội hình máy bay là hình ảnh đặc sắc, ý nghĩa. Không dừng lại ở một màn trình diễn kỹ thuật tinh tế, không phải sự phô trương mà đó chính là biểu tượng thiêng liêng của độc lập, tự do và khát vọng vươn cao, vươn xa của dân tộc Việt Nam. Mỗi nẻo đường ngõ phố, mỗi thôn xóm, nếp nhà, đâu đâu cũng đỏ rực màu cờ - chào mừng ngày chiến thắng. Hình ảnh lá cờ Tổ quốc tràn ngập các diễn đàn. Khắp nơi bắt “trend” từ những góc quán, những điểm check-in để thu hút người đến, đặc biệt là giới trẻ. Trên các trang facebook, zalo cá nhân, ai chưa có bức ảnh chụp cùng lá cờ Tổ quốc lại cảm giác mình đang lạc lõng.Không phải người ta hơn thua nhau vì bức ảnh, mà đó chính là nét đẹp văn hóa đang dần trở thành thói quen, thành truyền thống của mỗi người con đất Việt. Lá cờ ấy tạo nên sự gắn kết vô hình, sự đồng lòng, là niềm tin và ước mơ được cống hiến của triệu triệu con người. Trong bài giảng sớm nay, tôi hỏi học trò: “Các em có biết đất nước nào yêu lá cờ Tổ quốc hiện được xếp hạng nhất thế giới không?”. Tiếng hô đồng thanh “Việt Nam” của học trò vang lên, tôi nghe tim mình vui rộn rã. Lời đáp của các em chính là minh chứng của tình yêu nước, của sự tiếp nối thế hệ mong muốn làm rạng danh màu cờ ấy. Và chúng tôi đã cùng nhau hát vang bài Quốc ca.
Tôi yêu lá cờ của Tổ quốc tôi. Tôi yêu bằng tất cả sự tự hào, lòng biết ơn và trách nhiệm của một công dân. Lá cờ ấy không chỉ là biểu tượng, mà là linh hồn, là niềm tin, là khát vọng của cả một dân tộc. Tôi yêu lá cờ của Tổ quốc tôi không chỉ bằng cảm xúc, mà còn bằng ý chí, ý thức để dạy học trò với câu hỏi nằm lòng: “ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”?