Sáng 22/6/2023, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Phu nhân đã đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 22-24/6.
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và phu nhân có chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam từ 22-24/6. Ra đón Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Phu nhân tại sân bay quốc tế Nội Bài có Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh.
Đây là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên tới Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Việt Nam cũng là nước Đông Nam Á đầu tiên Tổng thống Yoon Suk Yeol tới thăm sau khi nhậm chức tháng 5/2022.
Chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên tới Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol được kỳ vọng sẽ là dấu mốc quan trọng, tạo xung lực mới cho hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc trên tất cả các lĩnh vực trọng yếu.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Việt Nam thực hiện các mục tiêu Đại hội XIII của Đảng, trong đó có mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Về đối ngoại, Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; thúc đẩy quan hệ với các đối tác ngày càng đi vào chiều sâu, nhất là với các đối tác chiến lược, trong đó có Hàn Quốc.
Việc đón đoàn Tổng thống Yoon Suk Yeol thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam cho thấy Việt Nam coi trọng cao độ ý nghĩa đặc biệt của hợp tác Việt Nam-Hàn Quốc nói chung và tầm quan trọng của mối quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc trong tổng thể chiến lược phát triển đất nước nói chung và chính sách đối ngoại của Việt Nam nói riêng.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc đạt nhiều thành tựu quan trọng trong xây dựng và phát triển đất nước thời gian qua nói chung và nhiều thành quả về phục hồi kinh tế-xã hội sau đại dịch Covid-19 nói riêng. Hàn Quốc trở thành một trong 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Về đối ngoại, Hàn Quốc thúc đẩy nhiều chính sách quan trọng, nổi bật là tầm nhìn chính sách quốc gia trọng điểm toàn cầu (GPS), Chiến lược Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương, Sáng kiến đoàn kết ASEAN-Hàn Quốc. Đồng thời, Hàn Quốc đăng ký ứng cử vào các vị trí quan trọng trong các cơ chế đa phương như Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Tòa án Luật biển quốc tế...
Việc Việt Nam đón Tổng thống Hàn Quốc thăm cấp Nhà nước cũng là thông điệp ủng hộ, tin tưởng Chính phủ và nhân dân Hàn Quốc thực hiện thành công các chính sách và mục tiêu phát triển trong tương lai, đóng góp vào hòa bình, thịnh vượng, ổn định của khu vực và thế giới.
Chuyến thăm của Tổng thống Yoon Suk Yeol là sự kiện nối tiếp chuỗi trao đổi đoàn các cấp giữa hai nước sau khi nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện. Điều này phản ánh nỗ lực đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đi vào thực chất từ cả hai bên.
Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc ngày 22/12/1992. Ngày 20/4/1992, hai bên ký thỏa thuận trao đổi Văn phòng liên lạc giữa hai nước. Ngày 22/12/1992, hai nước ký Tuyên bố chung thiết lập quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ; Hàn Quốc mở Đại sứ quán tại Hà Nội. Tháng 3/1993, Việt Nam mở Đại sứ quán tại Seoul; tháng 11 cùng năm 1993, Hàn Quốc mở Tổng Lãnh sự quán tại TP Hồ Chí Minh.
Tháng 8/2001, hai nước ra Tuyên bố chung về “Quan hệ đối tác toàn diện thế kỷ XXI” trong chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch nước Trần Đức Lương; tháng 10/2009, quan hệ hai nước được nâng cấp lên thành “Đối tác hợp tác chiến lược” trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myeong Bak. Tháng 12/2022, hai nước ra tuyên bố chung nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện” trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Hàn Quốc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.
Thời gian qua, hai nước duy trì thường xuyên các hoạt động trao đổi đoàn, tiếp xúc song phương, tăng cường hiểu biết và tin cậy chính trị. Lãnh đạo cấp cao hai nước cũng tiếp xúc, trao đổi thông qua nhiều hình thức: Điện đàm và hội đàm trực tuyến...
Hàn Quốc là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng thứ nhất về đầu tư. Theo đó, tính lũy kế đến tháng 4/2023, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với gần 82 tỷ USD tổng vốn đăng ký, hơn 9.559 dự án còn hiệu lực. Tính trong quý I/2023, Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam 474 triệu USD với 76 dự án cấp mới.
Hàn Quốc cũng là nước cấp viện trợ không hoàn lại (ODA) lớn thứ 2 cho Việt Nam (sau Nhật Bản). Hàn Quốc hỗ trợ 1,2 tỷ USD vốn vay ưu đãi từ Quỹ hợp tác phát triển kinh tế (EDCF) giai đoạn 2012-2015; hai bên đã gia hạn Hiệp định tín dụng khung Việt Nam – Hàn Quốc giai đoạn 2016 - 2020 quy mô 1,5 tỷ USD (ký năm 2017).
Là đối tác thương mại đứng thứ ba (sau Trung Quốc và Hoa Kỳ), tổng kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt 87 tỷ USD, tăng 11,4% so với năm 2021, trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 24,2 tỷ USD, tăng 10,2%; nhập khẩu đạt 62,5 tỷ USD, tăng 11%. Việt Nam nhập siêu từ Hàn Quốc đạt 38,3 tỷ USD.
Các cơ chế hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực tiếp tục được duy trì như Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật Việt Nam - Hàn Quốc; Ủy ban hỗn hợp cấp Bộ trưởng về hợp tác trong lĩnh vực điện hạt nhân, năng lượng và công nghiệp; Đối thoại về kinh tế cấp Phó Thủ tướng Việt Nam - Hàn Quốc.
Hàn Quốc là thị trường tiếp nhận lao động lớn thứ hai của Việt Nam, sau Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam là nước phái cử lao động lớn thứ hai (sau Trung Quốc). Hiện Việt Nam có khoảng 48.000 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc. Hai bên đã ký lại Bản ghi nhớ thông thường về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS) (tháng 1/2021), Hiệp định bảo hiểm xã hội (tháng 12/2021); thí điểm mô hình lao động thời vụ.
Những năm gần đây, Hàn Quốc nổi lên là một trong những thị trường cung cấp khách du lịch trọng điểm của Việt Nam (lớn thứ 2 sau Trung Quốc). Trung bình mỗi tháng có hơn 1.000 chuyến bay thẳng Việt Nam - Hàn Quốc. Năm 2019, khách du lịch Hàn Quốc đến Việt Nam đạt 4,2 triệu lượt, tăng 23,1% so với năm 2018; khách Việt Nam đến Hàn Quốc đạt 550 nghìn lượt người, tăng 21,9%. Lượng khách Hàn Quốc tới Việt Nam giai đoạn 2020 - 2021 giảm do tác động của dịch COVID-19 song đang tăng trở lại từ đầu năm 2022.
Trong lĩnh vực văn hóa - giáo dục, hai nước đã ký các hiệp định, bản ghi nhớ hợp tác văn hóa nghệ thuật, thể thao, giao lưu thanh niên, giáo dục. Hàn Quốc đã thành lập Trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại Hà Nội (2006); ký Thỏa thuận dạy thí điểm tiếng Hàn ở cấp trung học (2016); chuyển giao tàu huấn luyện hàng hải Hannara cho Trường Đại học Hàng hải Việt Nam (2020). Việt Nam đã áp dụng chương trình giáo dục phổ thông tiếng Hàn – ngoại ngữ 1, hệ 10 năm thí điểm (từ tháng 2/2021).
Bên cạnh những lĩnh vực trên, Việt Nam và Hàn Quốc còn có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, sâu rộng trên các lĩnh vực nông nghiệp, tư pháp, khoa học kỹ thuật, giao lưu nhân dân và hợp tác địa phương.
Sau hơn 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, hai nước đã đạt tới cấp độ quan hệ quốc tế cao nhất. Đây là nền tảng vững chắc để hai nước không ngừng mở rộng, nâng tầm hợp tác trong nhiều lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục-đào tạo, văn hóa, du lịch..., thúc đẩy giao lưu hữu nghị nhân dân, cũng như tăng cường phối hợp tại các diễn đàn quốc tế, khu vực và trong các vấn đề hai nước cùng quan tâm.
Chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên tới Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol diễn ra ở thời điểm có ý nghĩa hết sức to lớn, năm đầu tiên hai nước triển khai mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, nhằm phát triển hơn nữa mối quan hệ tốt đẹp đã trải qua 3 thập kỷ giữa hai nước, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Yoon Suk Yeol được kỳ vọng sẽ là dấu mốc quan trọng, tạo xung lực mới cho hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc trên tất cả các lĩnh vực trọng yếu.
Chuyến thăm là bước cụ thể hóa tám lĩnh vực hợp tác mà Bản Tuyên bố chung đưa ra khi Việt Nam - Hàn Quốc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, đồng thời thể hiện quyết tâm của lãnh đạo hai nước thúc đẩy quan hệ lên một tầm cao mới trên nền tảng thành tựu to lớn của 30 năm quan hệ song phương.
Trên cơ sở triển khai hiệu quả các thỏa thuận cấp cao mà hai nước đạt được trong chuyến thăm này, chúng ta tin tưởng rằng quan hệ giữa hai nước sẽ ngày càng phát triển, đúng chất toàn diện và chất chiến lược trong thời gian tới./.