– Việt Nam có rất nhiều khu danh thắng tuyệt vời, trong đó là cả những địa điểm du lịch tâm linh hội tụ tinh hoa Phật giáo khiến con người ta cảm thấy bình yên. Du lịch tâm linh, hướng về cội nguồn đang ngày càng thu hút du khách. Dưới đây, là 5 địa điểm du lịch tâm linh thu hút nhiều khách du lịch trong dịp đầu xuân mùa lễ hội.
Trẩy hội chùa Hương
Hàng năm, cứ vào ngày mùng 6 tháng Giêng, các Phật tử và khách thập phương lại nô nức hành hương về đất Phật – chùa Hương để trẩy hội, vừa để dâng lên đất Phật một lời cầu nguyện, một nén tâm hương, cũng vừa để thả hồn vào với thiên nhiên tại nơi còn in dấu Phật.
Hội chùa Hương diễn ra trên địa bàn xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Chùa Hương nằm bên bờ sông Đáy, có thắng cảnh núi đá Hương Tích nổi tiếng, có những dòng suối chảy men theo chân núi, bên cạnh những cánh đồng màu mỡ trải dài.
Đầu năm trẩy hội chùa Hương hành trình về cõi Phật
Lễ hội chùa Hương thường kéo dài từ mùng 6 tháng Giêng tới hạ tuần tháng 3 Âm lịch. Ngày mùng 6 tháng Giêng là ngày khai hội, trước ngày này, tất cả các đền, chùa, đình, miếu đều khói hương nghi ngút, không khí lễ hội bao trùm cả xã Hương Sơn. Bên cạnh đó cũng sẽ có một màn múa lân để chào đón du khách từ khắp nơi đến với hội chùa Hương.
Lễ hội Chùa Bái Đính
Chùa Bái Đính thuộc tỉnh Ninh Bình, là ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á. Chùa Bái Đính cổ nằm trên ngọn núi Đính, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn có lịch sử hơn một nghìn năm tuổi, từng là nơi Đinh Tiên Hoàng đế lập đàn tế trời cầu cho mưa thuận, gió hòa. Vua Quang Trung cũng đã chọn nơi đây để thực hiện nghi lễ tế cờ, động viên quân sỹ trước khi tiến ra Thăng Long đại phá quân Thanh xâm lược.
Chùa Bái Đính mới hiện là ngôi chùa đạt nhiều kỷ lục như: khu chùa rộng nhất Việt Nam, tượng phật bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á, hai quả chuông lớn nhất Đông Nam Á, chùa có nhiều tượng La Hán lớn nhất Việt Nam, khu chùa có giếng lớn nhất Việt Nam, khu chùa có số cây bồ đề nhiều nhất Việt Nam…
Lễ hội chùa Bái Đính được tổ chức từ chiều mùng 1 Tết, khai mạc ngày mùng 6 Tết và kéo dài đến hết tháng 3, buổi lễ mở đầu cho những lễ hội hành hương về vùng đất cố đô Hoa Lư Ninh Bình.
Khu di tích danh thắng Yên Tử
Khu di tích danh thắng Yên Tử là một quần thể chùa, am, tháp, tượng, rừng cây cổ thụ và cảnh vật thiên nhiên nằm rải rác từ dốc Đỏ theo chiều cao dần đến đỉnh núi. Quần thể di tích Yên Tử nằm gần đường 18A, thuộc xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Danh thắng Yên Tử là cái nôi của Thiền phái Trúc Lâm từ cuối thế kỷ XIII. Nằm trong cánh cung núi trùng điệp của khu Đông Bắc, đỉnh núi Yên Tử có chùa Đồng ở độ cao 1.068m so với mặt nước biển.
Lễ hội Yên Tử bắt đầu từ ngày 10 tháng Giêng và kéo dài đến cuối tháng 3 âm lịch.
Núi Yên Tử có chiều cao 1.068 m từ xưa đã được coi là danh sơn đất Việt. Ngay từ thế kỷ X, đạo sĩ Yên Kỳ Sinh đã đến tu hành và đắc đạo ở đây, nhưng Yên Tử chỉ thực sự nổi tiếng khi Vua Trần Nhân Tông – một ông vua đang thời thịnh trị đã từ bỏ ngai vàng đến đây tu hành, nghiên cứu Phật pháp và trở thành vị Tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm với Phật danh Điều Ngự Giác Hoàng.
Lễ khai ấn Đền Trần
Lễ khai ấn Đền Trần là một tập tục có từ thế kỷ XIII, triều đại nhà Trần – triều đại phong kiến kéo dài và hùng mạnh nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam với chiến công hiển hách ba lần đánh tan quân Nguyên Mông – đạo quân xâm lược; Được mệnh danh là “bách chiến bách thắng”.
Sau khi đánh thắng quân Nguyên Mông lần thứ nhất, ngày 14 tháng Giêng, tại phủ Thiên Trường , vua Trần Thái Tông đã mở tiệc chiêu đãi và thưởng công, phong tước cho các quan, quân có công trong việc đánh giặc. Kể từ đó, cứ vào ngày này, các vua Trần lại tổ chức nghi thức khai ấn để tế lễ trời đất, Tổ tiên; Phong chức tước cho những người có công, đồng thời mở đầu cho một năm làm việc mới của bộ máy chính quyền nhà Trần.
Sau này trên nền phủ Thiên Trường, nhân dân đã xây dựng khu di tích đền Trần để thờ 14 vị vua, Trần Hưng Đạo cùng các quan văn, võ, đồng thời duy trì nghi thức khai ấn để tưởng nhớ công đức của các vua Trần, giáo dục con cháu truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, bảo vệ non sông xã tắc.
Lễ Khai Ấn Đền Trần – Nam Định diễn ra giữa đêm 14 và mở đầu cho ngày 15 tháng Giêng
Nghi lễ khai ấn với ý nghĩa nhân văn lớn lao là cầu mong cho thiên hạ thái bình, thịnh trị, mọi nhà chung hưởng lộc ấn đền Trần “Tích phúc vô cương”; Cầu mong mọi người bước sang năm mới mạnh khoẻ, lao động, sản xuất hăng say, học tập, công tác tốt. Trải qua nhiều năm, lễ khai ấn vẫn được người dân duy trì và phát triển và trở thành một trong những tập tục đẹp, một nét văn hóa đẹp trong những ngày đầu năm mới của người Việt được gìn giữ lâu đời.
Đền Bà Chúa Kho
Đền Bà Chúa Kho nằm trên lưng chừng ngọn núi Kho, tại khu Cổ Mễ, Phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Đây không chỉ là khu di tích lịch sử có giá trị nằm trong quần thể di tích của khu Cô Mễ (gồm: Đình – Chùa – Đền) mà còn là nơi hàng năm nhân dân khắp cả nước hành hương mang tính tín ngưỡng Lý.
Đền Cổ Mễ thờ Bà Chúa Kho chính là nơi tưởng niệm một người phụ nữ Việt Nam đã khéo tổ chức sản xuất, tích trữ lương thực, trông nom kho tàng quốc gia trong thời kỳ trước và sau chiến thắng Như Nguyệt.
Vào đời nhà Lý, Bà có công giúp triều đình trông coi kho lương thực tại Núi Kho (tỉnh Bắc Ninh) và đã “thác” trong cuộc kháng chiến chống quân Tống vào ngày 12 tháng giêng năm Đinh Tỵ (1077).
Nhà vua thương tiếc phong cho Bà là Phúc Thần. Người dân nhớ thương Bà lập nên đền thờ tại kho lương thực cũ của triều đình ở Núi Kho và gọi Bà với một niềm tôn kính là: Bà Chúa Kho.
Lễ hội Đền Bà Chúa Kho được tổ chức vào ngày 14 tháng Giêng hàng năm
PV (T/h)