Đóng góp ý kiến vào việc truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam trong kỷ nguyên mới
Chiến lược truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài nhằm tăng sự nhận diện tích cực về một hình ảnh Việt Nam “Ổn định, phát triển, đổi mới và sáng tạo, giàu bản sắc văn hóa”, qua đó, nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế.
Ngày 10/7, tại Hà Nội, Báo Việt Nam News and Law, TTXVN phối hợp Cục Thông tin cơ sở và Thông tin đối ngoại tổ chức tọa đàm “Định vị Việt Nam – Truyền thông quảng bá hình ảnh quốc gia trong kỷ nguyên mới”, nhằm lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Chiến lược truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài.

Sự kiện có sự tham dự của Tổng Giám đốc TTTXVN Vũ Việt Trang; Phó Tổng giám đốc TTXVN Đoàn Thị Tuyết Nhung; Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở và Thông tin đối ngoại Phạm Anh Tuấn cùng đại diện các bộ ngành, cơ quan báo chí, chuyên gia truyền thông, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang nhận định: “Việc định vị hình ảnh quốc gia không chỉ là nhiệm vụ của truyền thông, mà còn là một phần không thể tách rời trong chiến lược phát triển tổng thể. Chúng tôi cho rằng, để thực hiện thành công chiến lược, cần có một hệ sinh thái truyền thông mạnh, trong đó báo chí chính thống giữ vai trò dẫn dắt, tạo nền tảng dữ liệu tin cậy để các chủ thể khác – từ KOLs, nhà sáng tạo nội dung số đến doanh nghiệp và kiều bào – có thể cùng kể một câu chuyện Việt Nam nhất quán và truyền cảm hứng”.
Ông Phạm Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở và Thông tin đối ngoại, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: "Cuộc cạnh tranh hình ảnh quốc gia ngày càng khốc liệt, trong khi hình ảnh Việt Nam vẫn chưa tương xứng với những thành tựu đạt được. Vì thế, Chính phủ đã giao nhiệm vụ soạn thảo chiến lược bài bản, dài hạn để khẳng định vị thế xứng đáng trên bản đồ thế giới”.
Các đại biểu tham dự tọa đàm – bao gồm đại diện các bộ, ngành, cơ quan báo chí, chuyên gia truyền thông, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế – đã cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, góp ý cho nội dung Chiến lược. Các chủ đề tập trung vào định vị hình ảnh quốc gia, phương pháp kể câu chuyện Việt Nam ra thế giới, kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng thương hiệu quốc gia, cũng như vai trò của truyền thông số và lực lượng “người kể chuyện độc lập” trong kỷ nguyên đa nền tảng.

Chiến lược truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài nhằm thúc đẩy thông tin tích cực về Việt Nam trong và ngoài nước, tăng sự nhận diện tích cực về một hình ảnh Việt Nam “Ổn định, phát triển, đổi mới và sáng tạo, giàu bản sắc văn hóa”, qua đó, nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế.
Theo định hướng của Chiến lược, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7 này, đến năm 2030, 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ thực hiện truyền thông và quảng bá hình ảnh địa phương ra nước ngoài theo định hướng thống nhất; tổ chức ít nhất 10 chiến dịch truyền thông trọng điểm mang tầm quốc tế; nâng mức độ nội dung tích cực về Việt Nam trên báo chí quốc tế và nền tảng số lên ít nhất 80%.
Chiến lược cũng hướng tới việc đưa Việt Nam vào nhóm 40 quốc gia có mức độ xuất hiện tích cực cao trên truyền thông toàn cầu, thu hút 35 triệu khách quốc tế vào năm 2030, đồng thời đặt mục tiêu để ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP vào năm 2030 và 8% vào năm 2035.
Về phương thức thực hiện, Chiến lược đề xuất đa dạng hóa hình thức truyền thông từ nền tảng truyền thống đến số hóa, lồng ghép truyền thông vào các sự kiện ngoại giao, văn hóa, thể thao; kết hợp với báo chí quốc tế, các đoàn làm phim và phóng viên nước ngoài. Song song đó là các giải pháp hỗ trợ cụ thể như nâng cao năng lực cho các địa phương, xây dựng thương hiệu đặc trưng, tổ chức điều tra, khảo sát quốc tế và phát huy vai trò của các nền tảng truyền thông đối ngoại.