TP.HCM: Chuyên gia cảnh báo nên hạn chế ra đường lúc 10-16 giờ hàng ngày

Trúc Linh (t/h)|19/02/2019 09:26
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Người dân TP. Hồ Chí Minh đang phải “vật lộn” với nắng nóng kỷ lục. (Ảnh: Tuệ Lâm)

– Trước tình trạng nắng nóng đỉnh điểm trên tại TP.HCM, các chuyên gia khuyến cáo người dân tránh tiếp xúc trong thời gian dài với ánh nắng, nhất là khoảng từ 10h sáng tới 16h chiều.

>>> Nam Bộ giảm nhiệt, triều cường TPHCM có thể dâng cao

>>> Dự báo thời tiết ngày 19/2: Hà Nội có mưa rào, Nam bộ nắng nóng

Người dân TP.HCM liên tục phải hứng chịu đợt nắng nóng kỷ lục trong nhiều ngày qua. Nhiệt độ trung bình đo được tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ (Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh) và TP.HCM cao nhất dao động ở mức 36 – 37 độ C (từ 12h – 15h).

Đài Khí tượng thủy văn Nam Bộ cho biết, từ ngày 17/2, rãnh áp thấp phía bắc nối với áp thấp nóng phía tây tiếp tục bị nén xuống phía nam bởi một khối không khí lạnh tăng cường, lệch động. Sau đó, rãnh áp thấp này có xu hướng suy yếu và mờ dần. Trên cao, áp cao cận nhiệt đới có xu hướng hạ trục xuống phía nam. Không chỉ có vậy, mức độ bức xạ tia cực tím (UV) đo được tại TP.HCM cũng rơi vào mức 10/12 (ngày 14/2), mức cảnh báo ảnh hưởng tới sức khỏe. Khắp nơi, người dân đang vật lộn với cái nắng chói chang.

Theo các chuyên gia, con người khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài có nguy cơ bị bỏng da, khô, sạm da, khiến da nhanh lão hóa, mất khả năng đàn hồi, thậm chí ung thư da. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, chỉ số UV là 10 thì chỉ cần 25 phút có thể gây bỏng da, còn nếu UV là 11 thì thời gian chỉ còn 10 phút là gây hại cho con người.

PGS Trần Hồng Côn – Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, tia cực tím ở liều lượng vừa phải có tác dụng tổng hợp vitamin D và kích thích mọi quá trình hoạt động chính của cơ thể. Tuy nhiên, khi tầng ozon bị tác động, lượng tia cực tím chiếu xuống càng mạnh có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực tới con người. Theo PGS Côn, cường độ tia cực tím phụ thuộc mây, mùa, thời tiết… Chẳng hạn, trời nắng nhưng nhiều mây, lượng tia cực tím sẽ yếu hơn và ngược lại. Thông thường, 10-14h hàng ngày là khoảng thời gian có chỉ số tia cực tím cao nhất.

Đại tá, Bác sĩ Phạm Văn Tiến – khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quân y 103 cũng cho biết, tia cực tím có thể gây ra những tai biến về mắt nếu như người dân ra ngoài nhưng không được trang bị kính bảo hộ. Ngoài ra, do tác động của tia cực tím, các màng bao bọc mắt có thể bị phá hủy trong trường hợp ánh nắng chiếu dội lên từ nền cát, nước hay xi măng. “Nếu bị chiếu tia cực tím trong thời gian dài, từ 6 đến 15 giờ, người bệnh có thể bị rối loạn thị giác, giảm thị lực, ngứa mắt, chảy nước mắt và sợ ánh sáng. Nếu được nghỉ ngơi trong môi trường sạch sẽ, trong lành, triệu chứng này sẽ tự hết. Tuy nhiên, nếu tiếp xúc quá lâu với cường độ mạnh của tia cực tím, bệnh nhân có thể bị suy võng mạc, cườm mắt, thậm chí lòa hay mù mắt rất nguy hiểm”, Bác sĩ Tiến nói.

Trước tình trạng nắng nóng đỉnh điểm trên tại TP.HCM, các chuyên gia khuyến cáo người dân tránh tiếp xúc trong thời gian dài với ánh nắng, nhất là khoảng từ 10h sáng tới 16h chiều.

Ngoài ra, nếu cơ thể xuất hiện tình trạng tăng thân nhiệt bất thường, da nóng, khô, rát, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, hay hôn mê, co giật… cần nhanh chóng đến ngay cơ sở y tế nơi gần nhất để được thăm khám và điều trị, tránh chủ quan, dễ dấn đến những biến chứng nguy hiểm. Cuối cùng, khi ra đường cần trang bị quần áo chống nắng dài tay, kính mắt, khẩu trang, đội mũ nón đầy đủ để tránh bị ánh nắng chiếu trực tiếp và có thể sử dụng kem chống nắng nếu thực sự cần thiết.

Trúc Linh (t/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM: Chuyên gia cảnh báo nên hạn chế ra đường lúc 10-16 giờ hàng ngày