Hà Nội siết chặt ô nhiễm không khí
Nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí, UBND TP Hà Nội chuẩn bị chính thức cấm toàn bộ xe máy sử dụng xăng dầu lưu thông trong khu vực vành đai 1 từ tháng 7/2026. Đây là một bước đi then chốt trong chiến lược giao thông xanh, đồng thời củng cố vùng phát thải thấp (LEZ) tại trung tâm nội đô lịch sử.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, hiện thủ đô có hơn 8 triệu phương tiện, trong đó xe máy chiếm khoảng 6,9 triệu chiếc nguyên nhân gây tới 60% mức ô nhiễm do giao thông.
Riêng khu vực vành đai 1 với hơn 450.000 xe máy thường xuyên di chuyển trên các tuyến phố cổ, nay sẽ trở thành “vùng xanh” không xe máy chạy xăng. Sau giai đoạn tuyên truyền, lực lượng Công an – Cảnh sát giao thông sẽ siết chặt xử phạt các trường hợp vi phạm biển cấm, biển hướng dẫn đặt dọc theo 18 tuyến đường làm ranh giới hạn chế.

Trước đó, theo Nghị quyết HĐND Hà Nội có hiệu lực từ 1/1/2025, thành phố đã thí điểm LEZ tại một số phường Ba Đình, Hoàn Kiếm và khuyến khích các quận, huyện nhân rộng. Từ tháng 3/2025, ôtô trên 16 chỗ đã bị giới hạn vào phố cổ và quanh Hồ Hoàn Kiếm. Khi Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng chính thức ban hành, phạm vi cấm đã được mở rộng toàn bộ bên trong vành đai 1, với chu vi lên tới 25 km.
Ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), cho biết: Dữ liệu quan trắc cho thấy từ năm 2019 đến nay, đặc biệt sau đợt phục hồi kinh tế 2023–2024, ô nhiễm không khí tại Hà Nội đã tăng trở lại và kéo dài suốt mùa đông - xuân. Nếu không kiểm soát tốt các nguồn phát thải, chất lượng không khí đô thị sẽ tiếp tục suy giảm.
Đồng tình với đánh giá này, PGS.TS. Nguyễn Văn Sơn (Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, Bộ Y tế) nhấn mạnh ô nhiễm PM2.5 không chỉ gây viêm đường hô hấp mà còn ảnh hưởng nặng lên người mắc bệnh mãn tính, làm tăng nguy cơ suy giảm miễn dịch và các rối loạn thần kinh.
Theo kế hoạch tổng thể, sau khi triển khai thành công lệnh cấm trong vành đai 1, Hà Nội sẽ mở rộng vùng cấm xe máy xăng tới bên trong vành đai 2 từ năm 2028. Sở Nông nghiệp và Môi trường đang phối hợp với các ngành liên quan rà soát, điều chỉnh phạm vi LEZ, đồng thời xây dựng cơ chế kiểm soát phát thải đồng bộ, đảm bảo không ùn tắc và khống chế được nguồn ô nhiễm chính.