– Trung tâm cứu hộ gấu tam đảo là nơi cưu mang 151 cá thể gấu, trong đó có 10 cá thể gấu chó và còn lại là gấu ngựa. Những cá thể ở đây đều là nạn nhân của hoạt động buôn bán, tàng trữ động vật hoang dã trái phép và nền công nghiệp hút mật hiện đang khá phổ biến.
Trung tâm cứu hộ gấu tại Tam Đảo
Loài gấu trong tự nhiên đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng bởi nạn săn bắt, buôn bán động vật hoang dã trái phép, chủ yếu phục vụ cho việc lấy mật. Mật gấu từ lâu đã được sử dụng như một loại thuốc quý, có thể chữa được nhiều loại bệnh như viêm gan, thoái hóa cột sống, u nang,…hay thậm chí là ung thư. Nhưng trên thực tế, chưa có một cơ sở khoa học chính xác nào chứng minh được tất cả những công dụng trên.
Hiện nay, việc hút mật gấu diễn ra chủ yếu với hai hình thức: một là hình thức thủ công, người nuôi dùng kim đâm trực tiếp vào vùng ngực gấu và thử nếm đến khi đầu kim có vị đắng thì xác định đó vị trí lấy mật; hai là hình thức dùng máy siêu âm dò sau đó tiến hành trích hút mật. Dù diễn ra dưới hình thức nào thì việc lấy mật gấu cũng không đảm bảo vệ sinh và gây ra rất nhiều đau đớn và tổn thương cho gấu.
Những người nuôi gấu cho biết, cứ trung bình 15 ngày họ trích hút mật gấu một lần. Thường thì họ lấy mật trực tiếp, trong trường hợp gấu quá to và hung dữ thì họ mới dùng đến thuốc giảm đau hoặc thuốc mê trước khi lấy mật.
Gấu là loài thú được công ước quốc tế bảo vệ. Việc săn bắt gấu và rút mật là trái phép và đã bị nhiều tổ chức quốc tế như CITES (Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) tố cáo cũng như các Tổ chức Bảo vệ Động vật Hoang dã như WSPA và Tổ chức Động vật Á châu hết sức lên án. Chính vì vậy, đầu năm 2007, Tổ chức Động vật Châu Á đã kết hợp với vườn quốc gia Tam Đảo thực hiện dự án“Trung tâm cứu hộ Gấu Việt Nam” tại vườn quốc gia Tam Đảo nhằm xây dựng khu cứu hộ cho khoảng 200-250 cá thể gấu các loại.
Phòng Giáo dục của Trung tâm cứu hộ gấu
Trung tâm cứu hộ gấu Tam Đảo có diện tích lên tới 12ha, được trang bị đầy đủ thiết bị để tạo điều kiện chăm sóc tốt nhất cho các cá thể gấu. Trung tâm được chia thành hai khu riêng biệt là khu cách ly, phục hồi và khu bán hoang dã. Ấn tượng đầu tiên khi bước vào Trung tâm là căn phòng container (nơi các chú gấu từng bị nuôi nhốt) được Trung tâm dùng làm phòng Giáo dục để trình chiếu các đoạn phim tuyên truyền cũng như giới thiệu về số phận các cá thể gấu ở đây. Sau căn phòng Giáo dục là khu cách ly, phục hồi dành cho những cá thể gấu mới được đưa về Trung tâm. Khu này gồm 2 dãy nhà dài được chia thành nhiều ô rộng rãi, có sức chứa lên tới 100 cá thể. Bên trong bố trí xích đu, đồ chơi để giúp gấu thư giãn và phục hồi chức năng tốt nhất, ngoài ra các phòng đều được dọn dẹp mỗi ngày, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ. Sau 45 – 60 ngày ở khu phục hồi thì gấu sẽ được đưa tới khu bán hoang dã để tập thói quen sống bầy đàn. Đây là khu đẹp nhất tại đây với 2 dãy nhà có 24 chuồng nuôi đặt ở giữa, hai bên là khuôn viên bán tự nhiên rộng 5000 mét vuông với thảm cỏ, hồ, núi, hang, xích đu. Đây là khu vực dành cho những cá thể gấu đã được chữa bệnh, phục hồi sức khỏe, có không gian để vận động và tập lại những thói quen. Để bảo đảm an toàn, bao quanh khu gấu có 2 lớp hàng rào, bên ngoài là lưới thép cao hơn 2 mét, bên trong là dây điện trần. Toàn bộ đều được bảo vệ nghiêm ngặt có hàng theo mô hình doanh trại.
Để gấu có thể phục hồi sức khỏe và phát triển tốt, việc chuẩn bị và cho gấu ăn là rất quan trọng. Thực đơn của gấu bao gồm rất nhiều loại rau, củ quả và không thể thiếu những món yêu thích của gấu như nước mật ong ướp đá, yến mạch đựng trong hồ lô, sữa chua trộn quả khô,..Thức ăn được cho vào trong ống tre, hộp nhựa, giấu trong phiến đá hay treo cao lên các thanh gỗ để gấu vận động, tốt cho sức khỏe và hỗ trợ chúng lấy lại bản năng vốn có.
Thức ăn được treo lên cao buộc gấu phải vận động
Trung tâm cứu hộ gấu Tam Đảo hiện nay có 151 cá thể được chăm sóc, trong đó có 10 cá thể gấu ngựa và số còn lại là cá thể gấu chó. Các cá thể gấu ở đây đều bị săn bắt để lấy mật sau khi được các cơ quan chức năng cứu thoát khỏi các trang trại chăn nuôi gấu hút mật được đưa về đây để được chăm sóc hỗ trợ đặc biệt để sớm thích nghi lại với môi trường tự nhiên. Mỗi cá thể gấu được ghi rõ lai lịch và tình trạng sức khỏe để được chăm sóc một cách phù hợp. Chúng cũng được đặt tên riêng theo mong muốn của những nhà hảo tâm đã nhận bảo trợ tài chính hay tùy vào hoàn cảnh khi chúng trở về với nơi này. Sống Sót – chú gấu nhỏ chỉ còn da bọc xương và bị mù một bên mắt nhưng may mắn lại là thành viên cuối cùng còn sống trong một trại gấu ở Quảng Ninh. Hay Adrew, Mausi. Mara,…những cái tên gắn với nhiều câu chuyện khác.
Chú gấu Sống Sót đang khôi phục bản năng trong khu bán hoang dã
Mỗi tháng Trung tâm cứu hộ gấu mở cửa hai lần để khách tham quan có thể tìm hiểu về loài gấu. Hoạt động này với trọng tâm hướng tới là giáo dục cộng đồng, nâng cao ý thức của con người về bảo tồn động vật hoang dã đặc biệt là loài gấu. Những học sinh, sinh viên khi tới đây tham quan không chỉ được tìm hiểu về những tập tính đáng yêu của loài gấu mà còn ý thức được trách nhiệm của mình đối với việc bảo vệ chúng khỏi nguy cơ tuyệt chủng.
Hồng Hạnh