Trao quyền chọn sách giáo khoa cho trường học

Minh Lâm|06/01/2024 07:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Theo Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT, quyền quyết định chọn SGK (Hội đồng lựa chọn sách) đã được giao về cho các cơ sở giáo dục thay vì UBND cấp tỉnh như trước.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT quy định về việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Theo Thông tư, việc lựa chọn SGK phải bảo đảm nguyên tắc lựa chọn SGK trong danh mục SGK đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt để sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục.

Mỗi khối lớp lựa chọn 01 SGK cho mỗi môn học, hoạt động giáo dục (bao gồm các nội dung, chuyên đề học tập lựa chọn nếu có) được thực hiện ở cơ sở giáo dục (gọi chung là môn học). Việc lựa chọn SGK bảo đảm thực hiện dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, vì quyền lợi của học sinh.

Tiêu chí lựa chọn SGK phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương, phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục.

sach-giao-khoa.jpg
Ảnh minh họa.

Mỗi cơ sở giáo dục thành lập 01 Hội đồng lựa chọn SGK. Đối với cơ sở giáo dục có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập 01 Hội đồng. Hội đồng bao gồm: Người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu; tổ trưởng tổ chuyên môn, nhóm chuyên môn, phòng chuyên môn (tổ chuyên môn), đại diện giáo viên, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh của cơ sở giáo dục. Số lượng thành viên Hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 11 người.

Đối với cơ sở giáo dục có quy mô dưới 10 lớp, số lượng thành viên Hội đồng tối thiểu là 05 người. Cơ cấu Hội đồng bao gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thư ký và các ủy viên Hội đồng. Chủ tịch Hội đồng là người đứng đầu.

Người đã tham gia biên soạn SGK hoặc tham gia chỉ đạo biên soạn, xuất bản, in, phát hành SGK (trong danh mục SGK được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt); cha, mẹ, cha mẹ vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; anh, chị, em ruột và anh, chị, em vợ hoặc chồng của người đã tham gia biên soạn SGK hoặc tham gia chỉ đạo biên soạn, xuất bản, in, phát hành SGK; người làm việc ở các nhà xuất bản, các tổ chức có SGK không được tham gia Hội đồng.

SGK được lựa chọn bảo đảm có từ 1/2 số giáo viên môn học trở lên bỏ phiếu lựa chọn. Trường hợp không có SGK nào đạt từ 1/2 số giáo viên môn học trở lên bỏ phiếu lựa chọn thì tổ chuyên môn phải thảo luận, bỏ phiếu lựa chọn lại; SGK được lựa chọn là SGK có số giáo viên môn học bỏ phiếu lựa chọn cao nhất trong lần bỏ phiếu thứ hai. Trong cả 02 lần bỏ phiếu, nếu có từ 02 SGK có số giáo viên môn học bỏ phiếu lựa chọn cao nhất bằng nhau thì tổ trưởng tổ chuyên môn quyết định lựa chọn một trong số SGK có số giáo viên môn học bỏ phiếu lựa chọn cao nhất…

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng danh mục SGK được phê duyệt để sử dụng trong cơ sở giáo dục tại địa phương; Sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục thông báo danh mục SGK được phê duyệt đến giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh trước ngày 30 tháng 4 hằng năm.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/02/2024.

Bài liên quan
  • Mức học phí được điều chỉnh như thế nào theo quy định mới nhất?
    Chính phủ vừa ban hành Nghị định 97/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trao quyền chọn sách giáo khoa cho trường học