Trẻ cần được trang bị kĩ năng gì để thoát chết khi phát hiện bị bỏ quên trên ô tô?

Trang Hạ (t/h)|07/08/2019 13:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Trang bị cho trẻ những kĩ năng thoát hiểm là việc cực kì quan trọng nếu chẳng may trẻ bị bỏ quên trên ô tô riêng hay trên xe buýt.

Vụ việc bé trai lớp 1, Trường Gateway (quận Cầu Giấy, Hà Nội) tử vong do bị bỏ quên trên xe buýt đưa đón của trường gây xôn xao dư luận. Vụ việc thương tâm đã khiến không ít phụ huynh, đặc biệt là cha mẹ có con em đang đến trường hàng ngày bằng phương tiện xe buýt cảm thấy hoang mang, lo lắng.

Ảnh minh họa

Hiện nay, chỉ tính riêng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có khoảng 100 trường sử dụng dịch vụ xe buýt đưa đón học sinh. Vì vậy có thể nói đây là phương tiện đi học khá phổ biến với học sinh Hà Nội nói riêng và học sinh các thành phố lớn nói chung.

Vụ việc thương tâm của học sinh Trường Quốc tế Gateway vừa xảy ra khá hy hữu, nhưng trong đời sống hàng ngày, trẻ nhỏ di chuyển bằng ô tô riêng của gia đình cùng bố mẹ rất thường xuyên. Kéo theo đó là không ít vụ việc trẻ bị bỏ quên trên ô tô từng xảy ra trên thế giới cũng như đã xuất hiện ở Việt Nam.

Bên cạnh việc trang bị cho trẻ những kĩ năng an toàn khi đi xe ô tô, một việc quan trọng không kém là bố mẹ nên dạy trẻ những kĩ năng thoát hiểm sau trong tình huống xấu đó là bị bỏ quên một mình trên xe buýt, trên ô tô cá nhân

Giữ bình tĩnh

Với trẻ em, khi bị mắc kẹt một mình trong ô tô giữa trời nóng như thiêu đốt, chuyện hoảng loạn là rất dễ xảy ra. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh hãy trao đổi thẳng thắng với con nhỏ rằng đã là tình huống nguy cấp thì có thể sẽ xảy ra với bất kì ai. Và nếu gặp phải nó, đừng bỏ cuộc mà hãy cố gắng bình tĩnh để tìm cách thoát thân hoặc chờ người đến cứu.

Phản ứng nhanh chóng là cần thiết, không được lề mề nhưng cũng không cuống quýt lên khiến tình hình thêm nghiêm trọng. Nếu đang mặc áo khoác, đeo khăn quàng… hãy nhẹ nhàng cởi bỏ chúng để giảm thân nhiệt. Quan sát xung quanh để biết mình đang ở đâu, gần đó có những ai có thể ứng cứu.

Thử mở các cửa ô tô

Khi chẳng may bị bỏ quên một mình trên xe ô tô, hãy dạy trẻ thử mở các cửa chính và cửa sổ của xe xem có được không. Biết đâu may mắn có một cánh cửa xe chưa được đóng kín hoàn toàn thì cơ hội thoát thân cho trẻ đơn giản hơn nhiều.

Thử mở cửa sổ, trong tình huống đặc biệt nguy cấp, hãy đánh giá xem khe cửa có đủ lớn để trèo ra ngoài hay không. Nếu có, chú ý thoát ra nhanh và không tỳ thân người lên tấm kính để tránh bị thương.

Thu hút sự chú ý của mọi người và kêu cứu

Với trẻ đã đến tuổi đến trường (khoảng từ 6 tuổi trở lên), trang bị cho trẻ một chiếc đồng hồ định vị hay với trẻ lớn hơn là một chiếc điện thoại để liên lạc trong trường hợp cấp bách vô cùng cần thiết. Bố mẹ hãy hướng dẫn trẻ cách gọi điện với bố mẹ, giáo viên hoặc cảnh sát, cứu thương khi có sự cố xảy ra là bị nhốt trong xe ô tô một mình.

Thu hút sự chú ý, lấy giấy ghi “Cứu con với” dán lên kính xe, đập cửa từ bên trong hoặc dùng vật gì đó vẫy liên tục để thu hút sự chú ý của người qua đường.

Bấm còi xe: Có một số loại ô tô dù tắt máy nhưng bấm còi vẫn phát ra âm thanh, vì vậy bố mẹ hãy hướng dẫn con bấm còi để mọi người chú ý đến. Đa phần còi được lắp đặt giữa vô lăng. Phụ huynh có thể giúp trẻ nhận ra vị trí còi xe thông qua hình ảnh, clip hoặc chỉ dẫn trực tiếp khi trẻ đi ô tô cùng với bố mẹ.

Trao đổi nhanh với người bên ngoài: Nếu người tiếp cận trẻ không phải là người lớn mà là một bạn học sinh khác thì sao? Đương nhiên cần tìm kiếm thêm sự trợ giúp, nhưng đầu tiên, hãy nói người đó mở thử cửa từ bên ngoài xem có được hay không.

Búa thoát hiểm: phá cửa kính ô tô

Đối với trẻ từ 6 tuổi trở lên, có thể nghĩ đến chuyện phá cửa kính thoát thân sau khi mọi biện pháp khác không có tác dụng. Tuy nhiên cần hết sức cẩn thận để giảm thiểu chấn thương.

Không được phá kính chắn gió phía trước mà chọn các cửa hai bên. Nếu trên xe có chuẩn bị dụng cụ phá kính thì hãy sử dụng ngay. Loại thường gặp nhất là búa phá kính có dạng đầu nhỏ. Khi dùng lực đập vào cửa kính, ứng suất lớn tập trung phá vỡ liên kết sẽ làm cửa kính vỡ vụn.

Nếu không có búa phá kính, hãy thay thế bằng bất kì vật nặng/ vật kim loại mang theo bên người như hộp bút, cặp sách, ô…

Sau khi kính đã vỡ, trẻ cần lưu ý bước xuống xe thật cẩn thận và không giẫm lên các mảnh thủy tinh. Tiếp tục tìm kiếm sự giúp đỡ của mọi người xung quanh và báo cáo ngay nếu chẳng may bị thương.

Trang Hạ (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Trẻ cần được trang bị kĩ năng gì để thoát chết khi phát hiện bị bỏ quên trên ô tô?
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.