– Sáng nay 16/11, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức lễ ra mắt Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông.
>>>Tiếp sức người thầy một hoạt động nhân văn
>>> Hà Tĩnh: Hiệu quả từ mô hình “Thứ 7 tình nguyện” vì môi trường Xanh – sạch – đẹp
Lãnh đạo trường trao quyết định thành lập Viện. Ảnh: SJC
Viện được thành lập trên cơ sở tích hợp Khoa Báo chí và Truyền thông với Trung tâm Nghiệp vụ Báo chí và Truyền thông.
Năm 1990, Khoa Báo chí được thành lập, tại ngôi trường đại học hàng đầu về Khoa học, xã hội và Nhân văn ở Việt Nam – Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Năm 2008, Khoa Báo chí được đổi tên thành Khoa Báo chí và Truyền thông.
Hôm nay 16/11, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông chính thức ra mắt ghi dấu mốc quan trọng cho chặng đường phát triển mới của Khoa Báo chí và Truyền thông.
Viện có 4 bộ môn chính là Báo chí, Truyền thông đa phương tiện, PR – Quảng cáo và Quản trị báo chí truyền thông. Mỗi bộ môn sẽ phát triển và chịu trách nhiệm một ngành đào tạo của Viện.
Tại buổi lễ, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Kim – Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội đã trao quyết định thành lập Viện.
Đồng thời, trao quyết định bổ nhiệm Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông cho Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Thu Hương và Phó Viện trưởng Viện cho Tiến sĩ Nguyễn Sơn Minh.
Phát biểu tại buổi lễ, Viện trưởng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Thu Hương nhấn mạnh: “Viện được thành lập dựa trên cơ sở tích hợp Khoa Báo chí và Truyền thông với Trung tâm Nghiệp vụ báo chí và Truyền thông. Đây là mô hình đầu tiên trong trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, và có lẽ là một trong những mô hình đầu tiên của Đại học Quốc gia Hà Nội phát triển từ cấp khoa lên cấp Viện, theo tinh thần định hướng đại học tự chủ mà Chính phủ đang quyết liệt triển khai”.
Theo Viện trưởng Đặng Thị Thu Hương, trong bối cảnh kỷ nguyên số, khi các thành tựu của cách mạng khoa học kỹ thuật, đặc biệt là internet tạo nên sự bùng nổ thông trên phạm toàn cầu, áp lực cạnh tranh của truyền thông xã hội đang đặt ra nhiều thách thức đối với người làm báo và ngược trở lại với người đào tạo báo chí.
“Viện xác định mục tiêu chiến lược là tiếp tục nâng cao hơn nữa nội dung và phương pháp đào tạo, mở rộng các loại hình đào tạo, đa dạng hóa sản phẩm đào tạo, vươn lên đạt chuẩn chất lượng khu vực và quốc tế”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Thu Hương nói.
Hiện nay, ngoài 2 ngành học ở bậc cử nhân là Báo chí và Quan hệ công chúng, Viện đảm nhiệm 3 chương trình đào tạo bậc thạc sĩ là: Thạc sỹ báo chí định hướng nghiên cứu, thạc sỹ báo chí định hướng ứng dụng, thạc sỹ liên kết quốc tế về quản trị truyền thông (với đại học Stirling, Anh). Ngoài ra, còn 1 chương trình đào tạo bậc tiến sỹ ngành báo chí.
Trong năm học tới, Viện sẽ đào tạo chương trình báo chí chất lượng cao ở bậc cử nhân và 2 chương trình đào tạo thạc sỹ mới, là thạc sỹ quản lý báo chí và quản trị truyền thông, chương trình thạc sỹ kinh tế báo chí truyền thông (liên kết với Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội).
Sau lễ ra mắt, Viện cũng đã tổ chức lễ tri ân các nhà giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Các thầy cô là các giảng viên, nhà khoa học, lãnh đạo khoa từ những ngày đầu thành lập đã cùng đến chung vui với tại buổi lễ.
Hà An