Học sinh trường THPT Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội) bàn tán việc mấy ngày nay nhiều đoàn đến kiểm tra cơ sở vật chất của trường.
“Không cần đo đạc nhiều, chỉ cần nhìn những mảng vữa lớn bong tróc trên trần nhà, hay những vết nứt toác cả bàn tay đưa vào cũng lọt ở cạnh lớp học của em sẽ thấy trường xuống cấp thế nào”, Cù Doãn Duy Thanh lớp 12A4 nói.
Thanh kể có lần mảng vữa trần rơi xuống giữa lớp trong giờ học, may mắn rơi đúng lối đi nên không ai bị thương. Các em đã gọi bảo vệ lên, dùng gậy chọc trần cho mảng vữa rơi xuống hết. Ba năm học ở trường, những cảnh như vậy không quá xa lạ với Thanh.
Một mảng trần đã bong tróc trong lớp học ở trường THPT Trương Định. Ảnh: Dương Tâm
Không chỉ phòng học, dọc hành lang từ nhà hiệu bộ sang dãy nhà A ba tầng, ít nhất ba chỗ bị nứt toác, cách nhau 5-10 cm. Nhiều cột chịu lực, lan can trơ gạch và sắt. Những đoạn lớp vữa vẫn còn, chỉ cần dùng tay vỗ là cả tảng rơi xuống.
Khu nhà B đã bị nghiêng. Phía nối với nhà hiệu bộ, một đoạn nứt lớn đã được nhà trường gia cố bằng trụ sắt. Xung quanh có chăng băng dính, tre nứa và cả chục biển báo nguy hiểm cấm vào.
Tại khu vực học thể chất, một đoạn tường dài khoảng 5 m đổ sập vào hè năm 2018, hiện treo biển “Nguy hiểm, cấm lại gần”. Nhiều bàn ghế cũ được dùng che chắn khiến khán đài dành cho học sinh ngồi học thể dục và hố nhảy xa không thể sử dụng. Ở đoạn tường bao khác, nhà trường phải dùng sắt gia cố.
Tình trạng trường xuống cấp diễn ra nhiều năm khiến hơn 1.800 học sinh của 43 lớp cùng giáo viên, phụ huynh nơm nớp lo sợ. “Cô trò thường đùa nhau chắc phải đội mũ bảo hiểm trong lớp cho an toàn. Chúng tôi mong muốn trường mới sớm được xây để các khóa học sinh tiếp theo không phải trải qua cảm giác lo lắng, ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần”, cô Oanh nói.
Thường xuyên cùng bảo vệ đi kiểm tra các lớp học và trực tiếp điều hành việc gia cố, ông Đặng Văn Dũng, Phó hiệu trưởng trường THPT Trương Định, cho rằng có hai lý do khiến trường xuống cấp “trầm trọng và nguy hiểm”. Thứ nhất, các dãy nhà hiện tại được đưa vào sử dụng từ năm 1976 theo kết cấu panel kiểu cũ dẫn đến tình trạng nứt hay bong tróc vữa.
Thứ hai, ngôi trường rộng khoảng 9.300 m2 nằm trong khu vực Tân Mai – vùng trũng của thành phố Hà Nội. Hệ thống thoát nước của trường không tốt, sân trường lại thấp hơn hệ thống cống ở khu dân cư bên cạnh. Chỉ cần trận mưa vừa, trường sẽ bị ngập đến nửa bánh xe. Nước thẩm thấu lâu ngày cộng với vật liệu xây dựng kém dẫn đến tình trạng sụt lún, nhà bị nứt và nghiêng.
Ông Dũng thông tin thêm trường Trương Định bắt đầu xuống cấp từ đầu những năm 2000, sau trận lũ lịch sử của Hà Nội năm 2008 thì tình trạng càng nghiêm trọng. Khi đó, mực nước cao đến ngang cửa sổ phòng học tầng 1, học sinh phải nghỉ học một tuần. Sau đó dãy nhà B nghiêng nhiều hơn, tường vôi mục nát.
Các dãy nhà học của trường THPT Trương Định xuống cấp.
Để khắc phục, nhà trường thường xuyên kiểm tra các phòng học. Hàng tuần, thầy Dũng cùng bảo vệ phải đến từng lớp học để chọc trần, đảm bảo các mảng vữa bong tróc phải rơi xuống hết ngoài giờ học của học sinh. Vào mùa mưa, nồm ẩm, việc kiểm tra trần nhà, tường, cột lớp được thực hiện hàng ngày.
Nhà trường cũng lắp đặt nhiều biển báo ở khu vực đặc biệt nguy hiểm nhằm cảnh báo giáo viên và học sinh, yêu cầu các em không được dựa vào lan can, chạy nhảy mạnh và thường xuyên gia cố những vết nứt mới phát hiện.
Với các lớp, trường phải yêu cầu giáo viên chủ nhiệm phân công cán bộ lớp phụ trách cơ sở vật chất kiểm tra phòng học, đặc biệt là trần và điện ngay khi mở khóa cửa. Nếu thấy trần nứt, có thể rơi, học sinh báo cáo bảo vệ để xử lý ngay.
Khu vực giữa nhà hiệu bộ và dãy nhà B được gia cố và treo biển cấm vào sau khi phát hiện khe nứt lớn. Ảnh: Dương Tâm
Nhà trường đã báo cáo lên Sở Giáo dục và Đào tạo và Ban dự án thành phố. Phía Sở và Ban nhiều lần xuống kiểm tra. Theo thông tin phía trường nắm bắt, UBND thành phố đã đồng ý thông qua dự án xây dựng lại trường, nhưng thời gian cụ thể thì chưa nắm rõ. Ban dự án của thành phố cũng đã xuống xin ý kiến về mô hình, kiến trúc trường mới.
“Cơ sở vật chất hiện đại, an toàn sẽ giúp thầy trò và phụ huynh yên tâm hơn. Tôi mong muốn các cấp có thẩm quyền quan tâm, đẩy nhanh tiến độ để xây dựng, làm sớm ngày nào thì công tác đảm bảo an toàn trường học sẽ tốt hơn ngày đó”, thầy Dũng nói.
Hoài Thu (T/h)